Xuất khẩu lao động - giải pháp giảm nghèo bền vững ở Hoàng Su Phì
BHG - Hoàng Su Phì là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, nền kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi, những năm qua huyện luôn chú trọng đào tạo nghề, xuất khẩu lao động (XKLĐ) và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì gặp mặt lao động địa phương trước khi đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh. |
Thực tế cho thấy: Để giảm nghèo một cách bền vững ở nông thôn thì vấn đề cơ bản nhất là tạo việc làm cho người lao động (NLĐ), có thu nhập ổn định. Xác định rõ những yếu tố đó, thời gian qua huyện Hoàng Su Phì đã có các giải pháp cụ thể trong giải quyết việc làm cho NLĐ, nhất là thời điểm nông nhàn.
Lực lượng lao động dồi dào nhất của huyện tập trung ở nông thôn. Trước đây, người dân muốn tìm kiếm việc làm để cải thiện cuộc sống phải tìm đến các tỉnh khác làm thuê, do không có trình độ, tay nghề nên thù lao thấp và không ổn định. Từ thực tế đó, huyện xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là cách thức hiệu quả để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng chí Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục xã hội hoá công tác đào tạo nghề thông qua trung tâm dạy nghề huyện, các tổ chức, đoàn thể trực tiếp phối hợp, liên kết đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương…”.
Chúng tôi có dịp đến thăm anh Giàng Văn Tinh, thôn Võ Thấu Chải, xã Chiến Phố - là một trong số ít những gia đình có kinh tế khá giả của thôn. Anh Tinh tâm sự: “Nhờ đi XKLĐ mà cuộc sống của gia đình cũng khá hơn, các vật dụng thiết yếu trong nhà như: Tủ lạnh, máy giặt, ti vi… đều từ tiền dành dụm khi đi XKLĐ…”. Anh Tinh ôn lại: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cả nhà trông chờ vào mấy thửa ruộng nên chỉ đủ ăn chứ không dành dụm được gì nên năm 2006, mình quyết định đi XKLĐ sang Malaysia. Cũng nhờ chính sách của huyện, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay toàn bộ kinh phí học tiếng, đào tạo nghề… không lãi suất. Sang đó, mình làm cho một công ty chuyên về quảng cáo, mỗi tháng cũng tiết kiệm gửi về gia đình khoảng 10 triệu đồng. Đến năm 2011, trở lại địa phương, với số vốn tích cóp được, vợ chồng mình mua thêm ruộng, nương để sản xuất và mua trâu, bò để nuôi. Đến nay, kinh tế nhà mình đã khá hơn nhiều…”.
Cũng như nhiều gia đình có người đi XKLĐ, ông Phượng Chòi Hín, thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu, có con gái Phượng Mùi Nhíp đi XKLĐ ở Ả-rập Xê-út từ năm 2017 đến nay. Cứ 3 - 4 tháng con gái gửi về khoảng 50 triệu đồng. Với số tiền chị Nhíp gửi về, ông Hín đã xây được ngôi nhà hai tầng khang trang…
Điển hình cho những đơn vị, tổ chức làm tốt công tác phối, kết hợp giải quyết việc làm cho lao động của địa phương là Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam thông qua Trường Cao đẳng nghề Than, khoáng sản từ năm 2016 đến nay đã tuyển hơn 200 lao động của huyện đi đào tạo nghề và làm việc. Khi được tuyển dụng, NLĐ được hưởng các chế độ như: Đào tạo nghề miễn phí, bảo hiểm; bố trí chỗ ăn, nghỉ; mức lương bình quân từ 10 - 18 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động của huyện đã đưa cả vợ, con xuống làm việc và định cư hẳn ở công ty. Để nắm chắc về tình hình, hiệu quả của lao động địa phương, hằng năm huyện cử cán bộ đến các công ty để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống NLĐ, đồng thời phối hợp với các đơn vị của các tập đoàn tuyển dụng thêm lao động đi làm việc.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục kết nối với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, trực tiếp đến các địa phương tuyển chọn người. Với những việc làm thiết thực đó, ngay trong những ngày đầu năm 2019, huyện đã có thêm 25 lao động được tuyển dụng, trên 50 hồ sơ đang được xét duyệt. Trong năm 2019, huyện đặt mục tiêu đưa khoảng 5.000 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, trong đó riêng Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam khoảng 300 người.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, huyện phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tư vấn trực tiếp tại các cơ sở; phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền theo chủ đề về dạy nghề, chú trọng giới thiệu việc làm cho NLĐ ở các doanh nghiệp trong tỉnh, tìm kiếm các doanh nghiệp có việc làm ổn định để tư vấn.
Việc đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và XKLĐ là một trong những giải pháp hiệu quả trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Những lao động này, sau khi trở về sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và trở thành những nhân tố tích cực trong đẩy mạnh sản xuất, phát triển KT-XH ở địa phương.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc