Xây dựng xã Vĩnh Phúc thành điển hình phát triển kinh tế
BHG - Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, Vĩnh Phúc (Bắc Quang) phải đạt và trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế. Vậy địa phương chọn hướng đi, cách làm thế nào để đạt mục tiêu đề ra?
Gia đình anh Vũ Văn Mạnh, thôn Vĩnh Sơn nuôi lợn theo mô hình trang trại, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. |
Chúng tôi chọn “Một cây – một con” làm hướng phát triển chủ đạo. Còn lại, sẽ tận dụng mọi nguồn lực sẵn có tại địa phương như lạc, lúa, rau, củ để phát triển đa dạng các loại sản phẩn hàng hoá. Đây cũng là cách làm “tránh mất mùa toàn diện”. Các anh lãnh đạo xã Vĩnh Phúc cho biết.
Chủ nhân trang trại chăn nuôi lợn, Vũ Văn Mạnh, thôn Vĩnh Sơn, cho biết: Gia đình thực hiện chăn nuôi khép kín, đó là nuôi lợn nái, cung cấp con giống trực tiếp để chăn nuôi thương phẩm. Cách làm này vừa đảm bảo nguồn con giống sạch, đủ tiêu chuẩn nuôi thương phẩm. Để có chất lượng con giống tốt, anh nuôi gần 20 lợn nái, được phối giống chia theo chu kỳ, tạo thành vòng tròn khép kín trong năm. Anh Mạnh cho hay, mỗi lứa đàn lợn nái sinh từ 150 – 200 con; lứa nọ kế tiếp lứa kia nên liên tục có sản phẩm xuất bán. Điều quan trọng nữa, người chăn nuôi phải học kiến thức chăm sóc từng loại lợn, từng giai đoạn sinh trưởng của lợn nái, lợn thương phẩm để có cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tiễn cho thấy, thành công trong phát triển đàn lợn ở Vĩnh Phúc hiện nay là sự kết hợp chặt chẽ đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn, chính quyền với nhà nông để nắm bắt, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm và cách phòng dịch - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Hoàng Hải Chư cho biết. Vĩnh Phúc hiện có tổng đàn lợn gần 13 nghìn con, xã đang mở rộng mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chủ lực trong nông nghiệp chất lượng cao.
Tỷ phú cây ăn quả có múi, anh Đặng Kiên, thôn Vĩnh Sơn cho rằng, phát triển cây ăn quả có múi đòi hỏi rất nhiều công phu. Thể hiện trong kỹ thuật lựa chọn cây giống, thời vụ, chăm bón và dưỡng quả. Giá trị kinh tế mang lại từ cây có múi là cam, quýt rất cao, nhưng cũng rất rủi ro nếu không nắm chắc kỹ thuật và kỹ nghệ. Cũng là cam, nhưng cam của anh Kiên vừa đẹp về mẫu mã, vừa đều quả, lại rất ngọt. Anh Kiên đã chọn cây cam Giấy trồng tại đất Vĩnh Phúc hàng chục năm nay, hiện anh có 3 ha, mỗi năm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng và được mệnh danh là người trồng cam Giấy “đắt giá nhất” tại vùng trọng điểm cam của xã Vĩnh Phúc. Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cam của anh Kiên đang được phổ biến cho nhiều nhà vườn cùng làm. Anh Kiên phân tích: Cây cam Giấy có sức chịu đựng thời tiết, chống chịu sâu, bệnh hơn cam Sành; cho thu hoạch sớm nên dễ bán. Chính vì vậy, cam Giấy đã đem đến thành công của anh Kiên trong phát triển sản xuất, là bài học cho người dân vùng trọng điểm cây ăn quả có múi hiện nay.
Xã Vĩnh Phúc hiện có gần 1 nghìn ha cây ăn quả gồm: Cam Giấy, cam Sành, quýt, bưởi Da xanh và cam Đường canh. Vĩnh Phúc phấn đấu sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu, đưa xã trở thành vùng tâm điểm cây ăn quả của huyện Bắc Quang vào năm 2020. Địa phương sẽ chỉ đạo quyết liệt từ chuyển đổi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khoanh vùng sản xuất và định hình sản phẩm để nông dân phát triển bền vững - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Hoàng Hải Chư khẳng định.
Song song việc đưa con lợn, cây ăn quả có múi làm trọng tâm phát triển kinh tế, nông dân xã Vĩnh Phúc đang từng bước mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả làm thực phẩm. Hiện Vĩnh Phúc có trên 6 ha trồng rau, củ, quả với 20 hộ tham gia. Các hộ cho biết, trồng rau, củ, quả mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, ngô.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc