Vị Xuyên tích cực chăm sóc cây cam sau thu hoạch
BHG - Hiện nay, cây cam đang ra lộc non; giai đoạn này rất quan trọng, có vai trò quyết định tới chất lượng quả sau này. Để có được những quả cam vụ sau đảm bảo chất lượng và mẫu mã, người trồng cam trên địa bàn huyện Vị Xuyên đang tích cực tập trung chăm sóc.
Bác Nguyễn Mạnh Huỳnh, thôn Minh Thành, cắt tỉa những cành cam bị sâu bệnh. |
Thời gian này, gia đình bác Nguyễn Mạnh Huỳnh, thôn Minh Thành, xã Trung Thành đang tiến hành phun thuốc, tỉa cành và bón phân cho cây cam. Trước đây, với suy nghĩ khi cây cam tạo quả, các loại sâu bệnh mới gây ảnh hưởng tới quả nên thời kỳ cây ra lộc non gia đình không chú ý nhiều, do đó, khi thu hoạch vỏ quả thường sần sùi, rám đen, cam không mọng nước. Sau khi tham dự lớp tập huấn về chăm sóc cam VietGAP, bác đã biết thời điểm nào cần phun thuốc trừ sâu, nhện và bón phân, đảm bảo cây phát triển tốt, cho quả có mẫu mã đẹp. Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, bác Huỳnh chia sẻ: “Cây cam ưa ẩm và ít chịu hạn, lại đang trong thời kỳ ra hoa, nên cung cấp đủ nước cho cây, cắt bỏ cành khô, cành bị sâu bệnh, yếu, cành đâm xuyên tán để cây được thông thoáng, phát triển tốt”.
Chăm bón vườn cam mới trồng. |
Không riêng gia đình bác Nguyễn Mạnh Huỳnh, những ngày này rất nhiều hộ trồng cam trên địa bàn huyện đang khẩn trương chăm sóc cây cam, phun thuốc trừ các loại sâu bệnh. Đối với những diện tích cam nhiều năm đã ra quả, bà con tập trung bón phân, quét vôi vào gốc và cắt tỉa cành, mục đích cho cây ra đọt non tập trung. Đối với những diện tích cam, quýt mới 2 - 4 năm tuổi, tích cực bón phân và rắc vôi vào lá tránh sâu bệnh gây hại và vun gốc để cây tránh bị đổ do mưa lớn. Do được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cam VietGAP, nên đa số người trồng cam không còn lúng túng khi thực hiện. Theo các cơ quan chuyên môn, thời điểm cây cam ra lộc non cũng là giai đoạn các loại sâu bệnh như: Sâu vẽ bùa, sâu nhớt, nhện đỏ, bệnh phấn trắng… phát triển mạnh và gây hại cho cây, đặc biệt là ảnh hưởng tới chất lượng quả cam. Ông Khổng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: “Thời điểm này cây cam bắt đầu ra hoa, đậu quả, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, xã phân công cán bộ xuống thôn bản để hướng dẫn bà con cách bón phân, kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ. Với thời tiết thất thường như hiện nay, cây cam dễ bị một số sâu bệnh hại như: Sâu đục thân, nhện, rệp, bệnh thối gốc, ghẻ,… Bên cạnh đó, xã tích cực khuyến khích bà con thường xuyên thăm vườn, theo dõi sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo hướng dẫn kỹ thuật”.
Cây cam thực sự đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và giúp người dân Vị Xuyên vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả kinh tế lâu dài thì bên cạnh việc mở rộng diện tích, người dân cần có những biện pháp chăm sóc, tránh tình trạng cây bị chết do sâu bệnh hay thoái hóa sớm, gây ảnh hưởng đến chất lượng quả cũng như thu nhập.
Bài, ảnh: Thu Biên (Vị Xuyên)
Ý kiến bạn đọc