Vĩ Thượng nhân rộng mô hình kinh tế gia trại
BHG - Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, người dân xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã và đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Gia trại nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình chị Nguyễn Thị Hoài, thôn Thượng Minh, xã Vĩ Thượng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhân dân xã Vĩ Thượng từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên sang nuôi theo hình thức bán chăn thả. Thực hiện Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thủ tục, điều kiện vay vốn. Trong 3 năm qua, toàn xã có 208 hộ đăng ký, tổng nhu cầu vay trên 25 tỷ đồng; Chi nhánh Agribank huyện Quang Bình đã giải ngân cho 127 hộ, với số tiền hơn 14 tỷ đồng để mua gia súc, gia cầm về nuôi.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, bà con có thêm động lực vươn lên làm kinh tế, đẩy mạnh chăn nuôi theo hình thức gia trại. Hiện nay, trên địa bàn xã có 44 mô hình kinh tế tiêu biểu; trong đó có 8 hộ nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên; 14 hộ nuôi lợn quy mô từ 30 con trở lên; 4 hộ nuôi gà với số lượng trên nghìn con. Đàn trâu của xã hiện có 1.335 con, đàn bò 128 con, 7.780 con lợn, 71 nghìn con gia cầm.
Đến gia đình chị Nguyễn Thị Hoài, thôn Thượng Minh, chúng tôi được biết: Tháng 10.2018, chị vay 400 triệu đồng theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để chăn nuôi đại gia súc. Cùng với đó, gia đình bỏ thêm 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố, mua 20 con trâu, bò về nuôi sinh sản và vỗ béo. Ngoài việc tận dụng rơm, cây ngô, phụ phẩm trong nông nghiệp; chị còn trồng thêm 1,5 ha cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Theo chị Hoài, nuôi trâu, bò vỗ béo nhanh được xuất chuồng, mỗi con lãi từ 3 - 5 triệu đồng; nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Rời thôn Thượng Minh, tôi đến thăm nhà anh Hoàng Đình Tiền, thôn Trung Thành - hộ điển hình phát triển kinh tế của xã. Tháng 6.2018, vợ chồng anh Tiền được vay 200 triệu đồng theo Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh để nuôi lợn thương phẩm và lợn thịt. Hiện, trong chuồng của gia đình lúc nào cũng duy trì đàn lợn 80 - 120 con; trung bình mỗi năm xuất bán 8 - 10 tấn lợn thịt; trừ các khoản chi phí cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Đồng chí Hoàng Xuân Đích, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng, cho biết: Những năm qua, bằng các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc duy trì gần 80 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, cấp ủy, chính quyền xã Vĩ Thượng cũng chỉ đạo ngành chuyên môn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Năm 2019, xã bắt đầu thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò tại các thôn để nâng chất lượng đàn đại gia súc; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nắm bắt kịp thời chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh; phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi đạt 57% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc