Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
BHG - Dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh, diễn biến phức tạp với số tỉnh, thành phố công bố dịch và số lợn mắc bệnh bị tiêu hủy ngày càng tăng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và ngành chức năng đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch lây nhiễm vào địa bàn.
Cán bộ chốt kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy phun tiêu độc, khử trùng và kiểm tra các phương tiện vận chuyển lợn vào địa bàn tỉnh. Ảnh: An Giang |
Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh, triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nêu rõ: Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; người đứng đầu các ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phải tập trung ưu tiên lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Ngành nào, cấp nào thiếu trách nhiệm, không triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, hoặc triển khai không hiệu quả, để xảy ra dịch phát sinh thì Chủ tịch UBND, thủ trưởng ngành đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào địa bàn: Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các huyện; gửi tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp - PTNT cấp hóa chất tiêu độc, khử trùng; chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn; từ ngày 13.3, tiến hành phun tiêu độc, khử trùng đối với tất cả các phương tiện tham gia giao thông vào địa bàn tỉnh qua Quốc lộ 2; cấp phát 5.400 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở nâng cao ý thức, trách nhiệm, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết triệu chứng và phòng, chống dịch bệnh.
Các huyện, thành phố thành lập đoàn kiểm tra lưu động; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật từ huyện đến cơ sở; thực hiện các đợt tổng vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng. Các huyện Bắc Mê, Mèo Vạc, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang - những địa bàn giáp ranh với các tỉnh khác, đều gấp rút thành lập các chốt kiểm dịch động vật với sự tham gia của các lực lượng: Công an, quản lý thị trường, thú y huyện và cán bộ xã; thực hiện kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ việc vận chuyển, buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn và phun tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện tham gia giao thông vào địa bàn. Các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh.
Tất cả các xã biên giới đều thành lập tổ lưu động do Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng của xã, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở người dân hai bên biên giới qua lại, trao đổi, mua bán động vật và sản phẩm từ động vật; tổ chức cho người dân ký cam kết không vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn từ bên kia biên giới vào nội địa.
Bắc Quang - huyện giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào địa bàn rất cao. Ngay sau khi tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến, UBND huyện đã triển khai các giải pháp đến cơ sở; chỉ đạo các xã, thị trấn vào cuộc quyết liệt; thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Chị Vương Thị Bình, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Bắc Quang, cho biết: “Đàn lợn của Bắc Quang hiện có trên 120 nghìn con; phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; huyện đã thành lập đoàn kiểm tra lưu động, tích cực kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; lập các chốt chặn tại xã Liên Hiệp, Đồng Yên để kiểm soát việc vận chuyển động vật từ ngoại tỉnh vào địa bàn; cấp hóa chất cho các hộ chăn nuôi phun tiêu độc, khử trùng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được đẩy mạnh.
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra Sở Nông nghiệp - PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Quang Bình, Bắc Quang, mặc dù các huyện đang triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế như: Một số hộ chăn nuôi lợn chưa nhận thức đầy đủ và kịp thời tác hại của dịch tả lợn châu Phi để chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn; có tư tưởng hoang mang, muốn bán tháo đàn lợn, mặc dù chưa đến thời điểm xuất chuồng; các xã, thị trấn chưa xây dựng kịch bản dập dịch; việc phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chưa đúng quy định; chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh; chưa thành lập các tổ phản ứng nhanh…
Toàn tỉnh hiện có gần 600 nghìn con lợn; ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; thu nhập từ chăn nuôi lợn của người dân chiếm tỷ lệ cao; thịt lợn là thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng… Nếu dịch bệnh xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi và đời sống nhân dân. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Nguyễn Đức Vinh: “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; các cấp, ngành cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành nông nghiệp để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây nhiễm vào địa bàn”.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc