Phụ nữ Đồng Văn vượt khó vươn lên trong cuộc sống

15:45, 11/03/2019

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong xã hội và quan tâm đến đời sống chị em, đặc biệt là phụ nữ vùng cao. Bác từng nói: “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm qua, phụ nữ huyện Đồng Văn đã không ngừng nỗ lực vượt khó, từng bước thoát khỏi những hủ tục, vươn lên tạo dựng cuộc sống khá giả hơn. Điều đó thể hiện sự thay đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm của thế hệ phụ nữ vùng cao hiện đại.

Nhiều phụ nữ xã Sủng Là thoát nghèo nhờ nghề may trang phục dân tộc.
Nhiều phụ nữ xã Sủng Là thoát nghèo nhờ nghề may trang phục dân tộc.

Chị Vàng Thị Pó, thôn Chúng Pả A, xã Phố Cáo, là một trong những hội viên đi đầu phát triển kinh tế, làm gương cho nhiều chị em trong học tập. Cũng như nhiều phụ nữ vùng cao, sinh ra trong cảnh nghèo khó. Thay vì việc cả năm quanh quẩn với cây ngô, chị Pó đã mạnh dạn chuyển sang may trang phục dân tộc đem bán tại các chợ. Năm 2015, chị vay tiền mua máy may váy, áo của bà con dân tộc Mông mang bán tại chợ Sà Phìn, Phố Cáo, Đồng Văn. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, cùng với sự nhanh nhẹn, khéo léo và có duyên với nghề, đến nay chị Pó đã có 10 máy may, chị đặt 5 máy tại nhà, số còn lại cho các chị em khó khăn trong thôn chưa có điều kiện mua máy mang về may tại nhà. Ngoài việc giúp giải quyết việc làm cho 6, 7 nhân công, chị Pó còn dạy nghề miễn phí cho chị em có nhu cầu. Từ nghề may, gia đình chị thu nhập nhiều triệu đồng mỗi năm. Chị Pó chia sẻ: Làm ruộng nương mỗi năm chỉ được một ít ngô, lúa. Từ khi chuyển sang làm may, cuộc sống gia đình dư giả hơn, mua được tivi, xe máy và sửa sang  nhà cửa… Thấu hiểu hoàn cảnh của nhiều chị em, chị Pó đã cùng với Hội Phụ nữ huyện tận tình giúp đỡ từ việc giúp lấy nguồn vải, dạy may, đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, rất nhiều chị em trong xã cũng đã ổn định cuộc sống.

Cũng giống như chị Pó, chị Ly Thị Dính, thôn Sáng Ngài, xã Sủng Là cũng mạnh dạn vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Hiện, gia đình chị đang phát triển nghề may và chăn nuôi tổng hợp với 16 con bò, 5 lợn nái, thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Chị Dính cho biết: Nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã, nhất là Hội Phụ nữ huyện đã định hướng cho chúng tôi làm kinh tế. Phụ nữ vùng cao đã chịu nhiều vất vả, thiệt thòi, tôi mong các chị em mạnh dạn hơn nữa để có thể tự xây dựng gia đình ấm no, đầy đủ.

Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn hiện có trên 10 nghìn hội viên, thuộc 19 cơ sở hội và 225 chi hội. Để tạo động lực cho chị em vươn lên thoát nghèo, Hội đã có nhiều chương trình, dự án, xây dựng những mô hình như: Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế; Tổ liên kết phát triển giữa các hộ,… Đến nay, nhiều mô hình đem lại hiệu quả tích cực như: Mô hình nuôi dê của phụ nữ xã Sính Lủng; thêu dệt thổ cẩm của người Lô Lô đen ở Lũng Cú; Tổ may mặc ở xã Phố Cáo; trồng rau sạch ở Sảng Tủng… Chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Chị em vùng cao chỉ biết làm nông, một số biết nghề thêu dệt, may mặc nhưng chưa nhiều. Hiện nay, nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cấp, phụ nữ đã biết liên kết thành các tổ có chung sở thích như may mặc, dệt, nhuộm vải,… để cùng làm kinh tế. Chị em đã ý thức được việc cố gắng học thêm kiến thức, làm kinh tế để nuôi dạy con cái tốt hơn. Hiện nay, cuộc sống của một phần chị em tại các thôn, xã trong huyện đã cải thiện rõ rệt, từng bước phát triển kinh tế ổn định, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phụ nữ dân tộc thiểu số hiện vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi như: Tảo hôn, thất học, bạo lực gia đình… Do đó, việc đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho chị em vươn lên thoát nghèo, tuyên truyền nâng cao hiểu biết về pháp luật là việc làm cấp bách của các cấp, ngành trong quá trình giúp họ vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh:  MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài

BHG - Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến, vận động, kêu gọi, thu hút và sử dụng nguồn viện trợ PCPNN, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển của địa phương.

11/03/2019
Những nông dân khởi nghiệp ở Quang Minh

BHG - Vốn là những nông dân "chân lấm tay bùn", "một nắng hai sương" của xã Quang Minh (Bắc Quang); nhưng nhờ sự năng động, sáng tạo, họ đã liên kết để sản xuất, kinh doanh (SXKD) thông qua việc thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông dân SXKD dịch vụ tổng hợp Thanh Thản (HTX Nông dân Thanh Thản). Và họ đã biến một trong những sản phẩm nông sản trở thành hàng hóa đủ tiêu chuẩn, vươn ra thị trường thế giới...

11/03/2019
Những "bông hoa" miền cực Bắc

BHG- Những ai đã một lần đặt chân đến Hà Giang đều đắm mình mê mải trước vẻ đẹp sặc sỡ, quyến rũ nhưng can trường của loài hoa Tam giác mạch. Trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu vùng Cao nguyên đá, vẫn vươn lên đón nắng trời khoe sắc. Đó cũng là biểu tượng về ý chí, quyết tâm vượt qua hoàn cảnh, vươn lên làm chủ cuộc sống của phụ nữ miền cực Bắc Tổ quốc. Phía trên cổng trời Quản Bạ, nơi phụ nữ Mông luôn chịu nhiều thiệt thòi vì các rào cản về phong tục, tập quán…

08/03/2019
Tân Lập nỗ lực đưa đồng bào hạ sơn

BHG - Tiếng đục, bào lạch cạnh; tiếng máy súc, máy ủi rền vang khắp không gian; từng tốp người nhanh tay dựng cột, rồi giúp nhau lợp những tâm Phi – brô xi – măng để hoàn thiện ngôi nhà… Sự tất bật, nhộn nhịp ấy chính là khởi đầu một cuộc sống "an cư, lạc nghiệp" tại điểm quy tụ dân cư dành cho đồng bào hạ sơn thôn Khá Hạ, thuộc xã đặc biệt khó khăn Tân Lập (Bắc Quang).

 

08/03/2019