Những cánh đồng "không nghỉ" Bắc Quang
BHG - Bắc Quang là huyện “cửa ngõ” của tỉnh, không chỉ được mệnh danh là xứ sở cây ăn quả có múi với những vườn cam, quýt trĩu quả, mà nơi đây còn được biết đến với những cánh đồng "không nghỉ". Bởi trên 1 diện tích đất canh tác, người dân đã áp dụng tối đa khoa học kỹ thuật để tăng hệ số sử dụng đất. Qua đó, năm 2018, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng cây hàng năm đạt 70,15 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 7,6 triệu đồng/ha so với năm 2017.
Cánh đồng lúa thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang) được đầu tư chăm sóc, phát triển tốt. |
Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, hàng năm, huyện quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn về khung thời vụ sản xuất; rà soát diện tích ruộng không chủ động nước tưới sang trồng cây màu có hiệu quả kinh tế. Xây dựng các cánh đồng mẫu liền vùng, liền khoảnh quy mô từ 3 ha trở lên; đẩy mạnh đầu tư thâm canh gắn cơ giới hóa, khuyến khích đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đặc biệt là các giống lúa thuần có chất lượng gạo thơm, ngon như: Thiên ưu 8, J02...; phát triển các mô hình sản xuất rau quả công nghệ cao, có giá trị.
Từ những nền tảng và chủ trương đúng của huyện đã làm tăng hệ số sử dụng đất và đóng góp kết quả cho ngành Nông nghiệp huyện trong năm qua. Vui mừng với những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: “Để tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT định hướng các giống mới vào sản xuất cho các địa phương. Qua đó, các cánh đồng thâm canh lúa, ngô, lạc đều đảm bảo diện tích từ 3 ha trở lên, liền vùng, liền khoảnh; một số cánh đồng kênh mương được kiên cố hóa, như : Cánh đồng thôn Bế Triều, xã Quang Minh; thôn Kè Nhạn, Đồng Mừng, xã Đồng Yên; thôn Chang, xã Đồng Tâm và cánh đồng thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Phúc… Các hộ tham gia đều chủ động giống lúa, phân bón; chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao, như: Thiên Ưu 8, Hương Thơm, Bắc Thơm số 7, Nhị Ưu 838…; giống ngô có năng suất, như: NK4300, NK66, NKK67… Mức độ đầu tư thâm canh đều đạt trên 95% so với quy trình, các thiết bị cơ giới được đưa vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, duy trì hoạt động của HTX toàn thôn Quang Tiến, xã Quang Minh và Tổ dịch vụ máy cấy xã Việt Vinh sản xuất mạ khay, dịch vụ gieo cấy lúa cho các hộ có nhu cầu...”.
Là xã triển khai đầu tiên, đồng chí Nguyễn Tiến Chước, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh, cho biết: “Từ việc áp dụng khung thời vụ, xã đã triển khai 3 vụ trên 1 năm với vụ Xuân từ tháng 1 – 5; vụ Mùa từ tháng 5 – 9; vụ Đông chủ yếu là trồng ngô từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Để kịp khung thời vụ, đặc biệt là vụ Đông, xã huy động bà con chủ động ươm giống trước; ngay sau khi gặt xong và làm đất là cây ngô đã cứng rễ và có thể trồng gối. Từ 200 m2 trồng thử nghiệm 3 vụ năm 2012, hiện nay, xã đã triển khai trên 20 thôn với 150,3 ha. Qua đó, năm 2018 giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất đạt 81,5 triệu đồng và hệ số sử dụng đất trong năm tăng 1,8 lần, tạo nguồn thu nhập và việc làm cho người dân...”.
Không để đất nghỉ, tay phải làm nhiều hơn, nhưng bù lại niềm vui lại đến nhiều hơn với người nông dân khi năng suất, sản lượng nâng lên. Chị Bùi Thị Thơ, thôn Khiềm, xã Quang Minh phấn khởi chia sẻ: “Nhờ trồng thêm vụ ngo, gia đình có thêm nguồn thức ăn cho gia súc và tăng thu nhập; bình quân, với 2.000 m2 ruộng trồng cây vụ Đông sẽ thu về hơn 10 triệu đồng, bên cạnh đó lại có thêm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc vào mùa Đông. Qua nhiều năm trồng cây vụ 3, mọi người trong thôn đều nhận thấy có sự thay đổi rõ nét. Đặc biệt, từ khi trồng vụ 3, năng suất cây trồng các vụ sau đạt cao hơn, ít sâu bệnh. Từ những hiệu quả đó, hiện nay 131 hộ trong thôn không nhà nào để cho đất nghỉ...”.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc