Ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"
BHG - “Tín dụng đen” là tín dụng phi chính thức, hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng chính thức; không đăng ký kinh doanh; chưa được cấp phép hoạt động và không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tự tử có liên quan đến “tín dụng đen” khiến dư luận bất bình. Cơ quan Công an đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích…
Trong khi những người vay cần vốn trong điều kiện nhất định, nhưng họ không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, buộc phải tìm đến “tín dụng đen”. Dịch vụ cho vay “tiền nóng” nở rộ từ khắp ngõ phố đến bản làng xa xôi với những mỹ từ quảng cáo hấp dẫn như: “Hỗ trợ tài chính lãi suất thấp”, “cho vay không tín chấp”… Nhưng thực tế, các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi hiện đang cho vay với lãi suất từ 2 nghìn đồng/triệu/ngày trở lên. Để “lách luật”, trên giấy vay tiền, các chủ nợ thường không ghi mức lãi suất, cách tính lãi suất được thỏa thuận ngầm. Đến hạn, người vay chưa trả, chủ nợ sẽ bắt ký giấy nợ mới bao gồm cả gốc lẫn lãi. Để đòi nợ, chủ nợ cho người đe dọa, khủng bố tinh thần người vay, thậm chí khống chế, đánh đập, gây thương tích, ép nạn nhân ký các thỏa thuận bán nhà, cầm cố tải sản với giá rẻ.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quang Bình giúp người dân xã Vĩ Thượng (Quang Bình) tiếp cận nguồn vốn tín dụng. |
Để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mở các chi nhánh; đặc biệt là các chi nhánh ở vùng sâu, vùng xa để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho người dân; cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động; mở rộng và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ; kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về cách thức tiếp cận vốn vay ngân hàng và cảnh báo thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi, cũng như những hệ lụy của “tín dụng đen”.
Các tổ chức tín dụng không ngừng cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay, thanh toán; ưu tiên thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất; đẩy mạnh triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích; trong đó, có các sản phẩm dịch vụ vay tiêu dùng, vay tín chấp… phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Hiện nay, trong tổng đầu tư tín dụng nền kinh tế toàn tỉnh, có trên 60% dư nợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn; trong đó, ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đều triển khai cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7.9.2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 55 về tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã nâng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã; người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo vẫn tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Những giải pháp kịp thời trên sẽ góp phần quan trọng, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” ra khỏi đời sống xã hội.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc