Hiệu quả từ vốn vay Agribank
BHG - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) huyện Quản Bạ về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đã có nhiều đổi thay. Nhiều hộ dân đã có tiền sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa kiên cố; một số hộ bước đầu có “của ăn, của để”; đời sống ngày càng khá giả.
Đàn trâu của anh Nguyễn Hữu Quang, thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Đến thăm thôn Vĩnh Tiến, một thôn chuyên canh tác rau ở Quản Bạ; chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về việc người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để phát triển chăn nuôi gia súc, tăng thu nhập cho gia đình. Ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Vĩnh Tiến, chia sẻ: Trước đây, gia đình rất khó khăn; năm 2017, tôi vay 100 triệu đồng từ Agribank mua 5 con trâu về nuôi vỗ béo; trồng hơn 3.000 m2 cỏ để chăn nuôi. Mới đầu nuôi nhiều trâu, gia đình cũng băn khoăn là làm sao để đàn trâu không bị ốm, tăng trọng lượng nhanh. Sau thời gian học hỏi và tích lũy được kinh nghiệm, nên việc nuôi trâu đã thuần thục hơn và cho lãi. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, số tiền bán trâu đã cho gia đình khoản thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay kịp thời, gia đình ông Vinh đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi trâu, và có điều kiện tu sửa nhà cửa và nâng cao mức sống.
Còn anh Nguyễn Hữu Quang, thôn Vĩnh Tiến là một trong những hộ chăn nuôi có tiếng ở vùng thì việc được vay vốn ưu đãi đã tiếp thêm nguồn lực cho gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh Quang tâm sự: “Nhà tôi vay vốn theo Nghị quyết 209 từ năm 2017, với số tiền 100 triệu đồng để mua 5 con trâu. Bên cạnh đó, tôi sử dụng thêm vốn của gia đình để sửa sang, mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, tôi luôn duy trì nuôi đàn trâu vỗ béo từ 10-12 con”. Từ khi tăng quy mô đàn, anh Quang đã chuyển đổi 2 ha đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Theo kinh nghiệm của anh Quang, để vỗ béo cho trâu hiệu quả, bên cạnh việc cho trâu ăn đủ cỏ, cần cho ăn thêm tinh bột, tiêm phòng, tẩy giun sán thường xuyên và làm tốt việc vệ sinh chuồng trại. Nhờ có kinh nghiệm chọn con giống, nên lứa trâu nào gia đình mua về nuôi cũng đều béo tốt, nhanh cho xuất chuồng. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, việc nuôi trâu đã đem lại cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng.
Người dân thôn Vĩnh Tiến dù đã có nghề canh tác rau nhưng thu nhập còn thấp, lại bấp bênh do ảnh hưởng của thời tiết; trong vài năm gần đây, thôn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, như: Mưa lớn, gió lốc, rét đậm, rét hại, sương muối… làm thiệt hại nhiều diện tích rau màu cũng như kinh tế của người dân. Nhờ có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh và nguồn vốn của Agribank, nhiều hộ dân đã phát triển tốt nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm; tạo thêm nguồn thu nhập mới. Nguồn vốn vay của Agribank, không chỉ giúp người dân có thêm động lực phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mà còn giúp bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc