Điện về mang ấm no cho bản Lũng Tèng

10:41, 07/03/2019

BHG - Những đường điện được kéo về đã thắp sáng nơi bản cao Lũng Tèng, thôn Cụm Nhùm, xã Phiêng Luông (Bắc Mê). Anh Cử Mý Lúa, người dân trong thôn tâm sự: “Kể từ khi có điện, người dân không còn dùng ánh sáng từ bếp lửa hay ánh sáng leo lét, mập mờ của máy phát điện. Người dân trong thôn bắt đầu mua sắm các vật dụng dùng điện như: Máy thái cỏ, tivi, bóng đèn... Có điện nhà nào cũng phấn khởi, vui mừng lắm”.

Bóng đèn thắp sáng góc học tập của các em nhỏ xóm Lũng Tèng.
Bóng đèn thắp sáng góc học tập của các em nhỏ xóm Lũng Tèng.

Xóm Lũng Tèng nằm dưới thung lũng, được bao bọc bởi những cây gỗ Nghiến hàng trăm năm tuổi; xóm có 15 hộ sinh sống, 100% dân tộc Mông. Bao lâu nay, người dân nơi đây sống bằng nghề chăn nuôi và trồng cây ngắn ngày, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Qua sự vận động và nỗ lực của từng hộ dân, năm 2018, 15 hộ đã góp sức, góp công kéo đường điện về xóm. Để kéo nguồn điện về, có công sức của thanh niên trẻ Thào Mí Sính, Phó Bí thư Đoàn xã Phiêng Luông. Với việc được đi học, tiếp cận nhiều kiến thức, Sính nhận thấy, để thay đổi cuộc sống của gia đình và người dân nơi đây thì nguồn điện là vấn đề chính cần được giải quyết. Sinh ra và lớn lên tại xóm, hiểu và thân thiết với người dân, Sính đã vận động mọi người góp công, góp sức kéo đường dây điện gần 3 km về thắp sáng bản làng. Sính cho biết: “Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn và sống rải rác ở sườn dốc, đường đi hiểm trở. Nhớ ngày còn nhỏ, tối muốn học bài, bố mẹ lại thắp cho chiếc đèn dầu nhỏ, lũ trẻ ở đây cũng vậy. Muốn sử dụng điện thoại cũng phải lên xã sạc pin. Để có cuộc sống khác hơn, mình đã phân tích và vận động từng nhà, từ đó mỗi hộ đồng ý góp 5 triệu đồng thuê công nhân ngành điện lắp công-tơ và đấu điện. Để tiết kiệm chi phí, những việc như kéo dây điện, đào hố, dựng cột... đều do người dân đảm nhiệm. Tuy còn khó khăn, nhưng các hộ ai cũng vui mừng và gắng sức làm mong muốn nhanh có điện về bản...”.

Chiếc máy thái cỏ mới mua của gia đình anh Vàng Mí Ray.
Chiếc máy thái cỏ mới mua của gia đình anh Vàng Mí Ray.

Chia sẻ niềm vui, đồng chí Sùng Mí Nhù, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, họp thôn, xã đã tuyên truyền và vận động người dân trong xóm kéo đường điện. Thuận lợi là, đời sống kinh tế của người dân tăng, nên nhu cầu phục vụ sinh hoạt cao, bằng nội lực của bản thân, các hộ đã tự đóng góp kéo đường điện. Đến nay, tỷ lệ sử dụng điện của xã đã đạt 100%. Trước đó, vào năm 2017, tại thôn Phiêng Đáy, hơn 10 hộ dân xóm Phiêng Phít cũng tự kéo đường dây điện. Những cố gắng của người dân đã góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương và đây sẽ là bước tiến, giúp kinh tế địa phương phát triển hơn nữa...”.

Ngày đóng điện, cả xóm Lũng Tèng như bước sang trang mới, những đứa trẻ lít nhít, người già đều bỡ ngỡ, bởi trời đã tối mà trong căn nhà vẫn sáng rực. Tiếng máy thái cỏ nghe sắc lẹm của gia đình nhà anh Vàng Mí Ray hay những khúc nhạc được cất lên từ chiếc điện thoại và đặc biệt nhất chính là những chiếc đèn phục vụ việc học hành của các em nhỏ... Đây được xem là nguồn động lực cho những đứa trẻ có một tương lai tốt đẹp hơn. Anh Ray cho biết: “Năm ngoái gia đình đã mua được máy thái cỏ, từ đó giúp công việc chăn nuôi nhẹ nhàng hơn. Có được máy thái cỏ rồi, chăn nuôi sẽ tốt hơn và trong năm nay sẽ mua thêm tivi và nồi cơm điện...”.

Điện về đã tiếp thêm cho mgười dân trong xóm động lực và dự định lớn hơn. Bạn Sính tâm sự: Mọi người đang bàn nhau làm đường bê – tông để đi vào thôn dễ hơn, bọn trẻ đi học cũng bớt vất vả; rồi kinh tế phát triển hơn sẽ mua thêm tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện và nhiều máy nông cụ khác... Những ước mơ và dự định của người dân xóm Lũng Tèng đã ngày một nhiều hơn nhờ có nguồn điện về bản.

Bài, ảnh:  HOÀNG YẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

BHG - Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, "Thời chiến sẵn sàng cầm súng đánh giặc", khi đất nước bình yên "Sẵn sàng cầm cuốc để làm kinh tế"; được sự giúp đỡ của cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Khuôn Lùng (Xín Mần), CCB Hoàng Văn Sơn, thôn Trung Thành đã tận dụng thế mạnh về điều kiện đất đai của gia đình để phát triển cây chè và đã đem lại hiệu quả kinh tế cũng như nguồn thu nhập ổn định; ngoài ra, ông Sơn còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho gần chục lao động người địa phương. 

 

28/02/2019
Đồng Văn nhân rộng ủ chua cỏ dự trữ thức ăn cho đàn gia súc

BHG - Xác định, chăn nuôi đại gia súc là ngành kinh tế mũi nhọn, hướng ưu tiên, nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng giảm nghèo; thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh, huyện Đồng Văn còn có nhiều cách như: triển khai chương trình ủ chua dự trữ thức ăn, nhằm tăng số lượng, chất lượng đàn bò, góp phần nâng cao đời sống, cho người dân.

 

28/02/2019
Hợp tác xã Kim Thăng nâng tầm giá trị cây chè Quản Bạ

BHG - Bén duyên với Quản Bạ trong một lần đi du lịch, anh Quách Ngạn Vĩ, chàng rể người Đài Loan đã quyết định sinh sống và lập nghiệp ở mảnh đất "núi đôi" và phát triển các sản phẩm chè theo tiêu chuẩn Đài Loan. Với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của cây chè địa phương, làm tăng giá trị sản phẩm trà, anh và Hợp tác xã (HTX) Kim Thăng (thị trấn Tam Sơn) đang nỗ lực quảng bá cây chè Quản Bạ đến nhiều nơi trong và ngoài nước.

 

07/03/2019
Điện lực Vị Xuyên đảm bảo an toàn lưới điện và sản xuất, kinh doanh

BHG - Điện là nguồn năng lượng hết sức quan trọng trong sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Những năm qua, đặc biệt là năm 2018, cán bộ, công nhân, viên chức (CNVC) Điện lực Vị Xuyên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đảm bảo an toàn lưới điện thuộc đơn vị quản lý để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào phát triển KT – XH tại địa phương; cũng như đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

 

07/03/2019