Xây dựng Nông thôn mới gắn giảm nghèo ở Quản Bạ
BHG - Thực hiện tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) là một nội dung quan trọng, được huyện Quản Bạ luôn quan tâm, ưu tiên triển khai. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng xây dựng NTM gắn thực hiện các Chương trình 135, 30a; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh, huyện để hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số.
Chị Lù Thị Tuyên, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến trồng rau trong nhà lưới. |
Xác định tiêu chí nâng cao thu nhập, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng để xây dựng NTM, chính vì vậy, huyện Quản Bạ đã chủ động tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn và thu hút đầu tư. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân được thực hiện nghiêm túc trong năm đã tạo nhiều việc làm và thu nhập từ các chương trình hỗ trợ, nhằm bổ sung đầy đủ những nội dung còn thiếu theo đánh giá đa chiều để đảm bảo các hộ thoát nghèo. Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Hoàng Đình Phới, cho biết: “Đối với hai xã Quyết Tiến và Quản Bạ đăng ký hoàn thành tiêu chí NTM trong năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí Huyện ủy viên và các cơ quan, đơn vị của huyện phụ trách đến từng hộ nghèo để hỗ trợ, hướng dẫn gia đình thực hiện các giải pháp khắc phục những nội dung còn thiếu. Đồng thời, vận động người dân tích cực, chủ động vay vốn phát triển sản xuất, tìm việc làm phi nông nghiệp để thêm thu nhập... Chỉ đạo các xã phân công cán bộ công chức xã, các cơ quan, đơn vị, đảng viên trên địa bàn xã tham gia phụ trách để giúp các hộ thoát nghèo. Hàng tuần, Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện đều họp giao ban để đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nội dung xây dựng NTM, trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng và kết quả thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo của các cơ quan, đơn vị được phân công, phụ trách. Để kịp thời định hướng chỉ đạo việc tổ chức thực hiện cho phù hợp”.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, Mùng Xuân Huynh, cho biết: Để đạt được kết quả giảm nghèo, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện thì người dân đã rất tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi ong, bò, lợn, gà xương đen, chim Bồ câu, trồng cây dược liệu, rau sạch theo chuỗi giá trị, hoa hồng... Đã giải ngân theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh được trên 35 tỷ đồng/462 hộ chăn nuôi vay mua trâu, bò; cho vay gần 7,5 tỷ đồng/97 hộ làm chuồng trại. Ngoài chính sách của tỉnh, huyện còn ban hành Nghị quyết 14 của HĐND huyện để hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho đàn bò. Hỗ trợ làm điểm chuyển đổi đất trồng cây lương thực sang trồng cỏ tạo vùng thức ăn chăn nuôi được 7 ha. Phát triển chăn nuôi ong, huyện đã giải ngân theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh được trên 1,4 tỷ đồng/16 hộ, nâng tổng đàn ong hiện có lên 3.950 tổ. Hỗ trợ phát triển cây dược liệu theo Nghị quyết 14 của HĐND huyện được 42 ha; nâng tổng diện tích dược liệu lên 2.881 ha. Một số HTX đã sản xuất, chế biến ra một số sản phẩm từ dược liệu như: Cao bổ khí ích não, Cao mạnh gân hoạt cốt, Cao Atiso, Trà giảo cổ lam, Trà gừng... Phát triển sản xuất rau sạch theo chuỗi giá trị, nhân dân đã xây dựng nhà lưới trồng rau được 4,5 ha. Qua đó, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, dần thực hiện được các tiêu chí khác trong NTM.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện còn triển khai tốt chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Làm tốt công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động và đi làm tại các công ty, doanh nghiệp bên ngoài huyện để tăng thu nhập từ lĩnh vực phi nông nghiệp. Năm qua đã tổ chức tư vấn định hướng cho người dân phương án sản xuất để nâng cao thu nhập, tham gia tích cực vào Chương trình Khởi nghiệp. Số lao động được tạo việc làm mới trong năm 2018 là 1.420 người, trong đó lao động xuất khẩu và đi làm việc tại các tỉnh 1.238 người. Bằng nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 39,53%, giảm 7% so với năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững là cả một chặng đường dài, song cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ giúp người dân đạt được mục tiêu giảm nghèo trên 6%/năm.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc