Quản Bạ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
BHG - Xác định chăn nuôi là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả; những năm qua, huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh phát triển theo hướng hàng hóa. Thông qua việc xây dựng các mô hình gia trại, trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Gia đình ông Hạng Chính Vương, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân nuôi bò theo hướng hàng hóa. |
Đến thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo của gia đình ông Hạng Chính Vương, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, được biết: Trước đây ông chỉ nuôi 2 - 3 con bò lấy sức kéo. Năm 2015, được sự vận động, hỗ trợ của xã và được tiếp cận chương trình cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, ông đầu tư nâng tổng đàn bò lên 6 con. Đến nay, gia đình duy trì nuôi từ 10 - 12 con bò, ngựa vỗ béo, cho thu nhập trung bình 90 triệu đồng/năm.
Để nâng cao hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Vân đã vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc; đa dạng cơ cấu giống cỏ, mở rộng diện tích trồng cỏ Voi và cỏ VA06, nhiều hộ đã trồng từ 1 - 2 ha. Nhờ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nhân dân đã biết trồng cỏ thâm canh và chế biến, dự trữ làm thức ăn cho gia súc vào mùa Đông. Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, Giàng Mí Mua cho biết: “Từ lợi thế của từng thôn, cấp ủy, chính quyền xã đã lựa chọn các mô hình chăn nuôi hiệu quả để nhân lên thành nhóm hộ chăn nuôi theo hình thức tập trung. Nhằm tăng đàn gia súc, xã đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ cho người dân như: Chính sách khuyến khích phát triển KT-XH; Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…”.
Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, xã Quyết Tiến cũng tích cực đưa các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện đến với người dân. Năm 2018, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã trên 3.200 con. Gia trại của bà Vũ Thị Châm, thôn Vĩnh Tiến, hiện đang nuôi 20 con lợn đen; từ khi tăng đàn, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, thị trường thịt lợn có lúc rớt giá, nhưng lợn đen giống địa phương gia đình bà Châm nuôi vẫn luôn ổn định; mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Không chỉ tăng số lượng đàn, huyện Quản Bạ còn quan tâm xây dựng chợ buôn bán gia súc xã Đông Hà và Cao Mã Pờ, hình thành điểm kinh doanh, mua, bán sản phẩm từ trâu, bò. Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn; vận động hộ chăn nuôi tham gia Tổ hợp tác, HTX nhằm hỗ trợ kỹ thuật, liên kết thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Cùng với việc phát triển đại gia súc, huyện cũng chú trọng chăn nuôi gà, chim Bồ câu và ong lấy mật. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của huyện đạt 22.410 con; dê 4.210 con; lợn 36.600 con; ong 3.950 tổ; ngựa 479 con và đàn gia cầm trên 228.200 con.
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, lĩnh vực phát triển chăn nuôi của huyện Quản Bạ có sự phát triển đáng kể. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân và từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn xây dựng Nông thôn mới.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc