Các xã nghèo huyện Quản Bạ nỗ lực "cán đích"
BHG - Những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã tạo sự đổi thay rõ rệt trên địa bàn các xã; nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xây dựng NTM ở các xã ĐBKK trên địa bàn huyện Quản Bạ đang gặp nhiều gian nan...
Các thôn Lùng Tám Cao, Mỏ Nhà Cao, xã Lùng Tám thường xuyên thiếu nước trộn bê-tông để làm đường, nên tiến độ luôn bị chậm. Trong ảnh: Nhân dân thôn Lùng Tám Cao đóng góp công sức làm đường bê-tông nông thôn. |
Cách trung tâm huyện gần 30 km, Thái An hiện đang là xã đạt tiêu chí thấp nhất huyện, mới đạt 5/19 tiêu chí (Quốc phòng - an ninh, quy hoạch, điện, giáo dục và đạo tạo, y tế). Theo đồng chí Vàng Vần Chính, Chủ tịch UBND xã Thái An: Những năm qua, ngoài vốn đầu tư của nhà nước, xã đã phát huy tối đa nội lực trong nhân dân để xây dựng NTM. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi dốc, chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai, bão, lũ; dân cư thưa thớt; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, trình độ dân trí còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thiếu nhiều, giao thông đi lại khó khăn...; do đó, việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thực sự khó khăn. Trong năm 2019, Đảng bộ, chính quyền xã xác định tập trung thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập và hoàn thành tiêu chí giao thông.
Đối với xã Nghĩa Thuận cũng vậy, việc thực hiện các tiêu chí về môi trường, thu nhập, hộ nghèo..., đang là “bài toán” nan giải đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Đồng chí Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, cho biết: Để nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững cho người dân; cấp ủy, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đi lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đồng thời, xác định cây Hồng không hạt là thế mạnh và mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Trong năm 2018, xã vận động nhân dân trồng được 76 ha Hồng không hạt; hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh để phát triển kinh tế... Qua đó, hết năm 2018 đã giảm được 6% tỷ lệ hộ nghèo và đạt 9/19 tiêu chí NTM.
Trao đổi về những khó khăn trong xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành, cho biết: Quản Bạ có 12 xã, thị trấn với 107 thôn, bản. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân; đến nay, huyện đã có 3 xã: Quyết Tiến, Quản Bạ, Đông Hà đạt 19/19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, huyện còn 9 xã thuộc diện ĐBKK, như: Thái An, Cán Tỷ, Lùng Tám, Thanh Vân và 5 xã biên giới: Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Tả Ván, Bát Đại Sơn, Cao Mã Pờ mới đạt từ 5 – 10 tiêu chí NTM. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương này có địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn; kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún..., tỷ lệ hộ nghèo bình quân còn trên 50%; thu nhập mới đạt khoảng 11 - 16 triệu đồng/người/năm. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập gặp nhiều khó khăn; một số người dân chưa chủ động phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo... Vì vậy, việc hoàn thành các tiêu chí quan trọng, như: Giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường…, còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, năm 2019, huyện phấn đấu đạt 15/19 tiêu chí NTM ở 3 xã Thanh Vân, Tùng Vài, Nghĩa Thuận. Để đạt mục tiêu trên, huyện tiếp tục huy động, lồng ghép các mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT - XH; chú trọng đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ phát triển sản xuất; áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa, huy động sự đóng góp của người dân - chủ thể xây dựng NTM.
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc