Tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản
BHG - Cá Bỗng, cá Chiên, Dầm xanh, cá Anh vũ… là những loại cá đặc sản nổi tiếng, được nuôi chủ yếu trên sông Gâm, sông Chừng, sông Miện và sông Lô đoạn chảy qua địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, việc nuôi trồng thủy sản tại tỉnh ta đã có những bước tiến đáng kể, góp phần không nhỏ vào phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nuôi cá lồng đã mang lại cho gia đình anh Trần Văn Tường, thôn Pắc Sáp, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) nguồn thu nhập ổn định. |
Theo nhận định của cơ quan chức năng, lĩnh vực thủy sản thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức; năng suất nuôi trồng thấp, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ đóng góp được khoảng 1,4 – 1,5% trong giá trị ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chính sách thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản; đa số các hồ chứa hiện chưa được tận dụng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nuôi bằng hình thức lồng, bè tại các hồ chứa thủy điện với 12 hồ có dung tích trên 3 triệu m3 tại huyện Bắc Quang, Quang Bình, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần, Bắc Mê và 45 hồ chứa tự nhiên ở huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang chưa thực sự được chú trọng.
Thực tế cho thấy, nghề nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy được tiềm năng. Tuy số lượng lồng, bè và sản lượng thủy sản tăng dần qua các năm, nhưng sản phẩm chưa thực sự trở thành hàng hóa. Người nuôi phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên dễ bị thương lái ép giá, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, môi trường ngày càng ô nhiễm, sự biến động thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động từ những nhà máy đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người nuôi... Điển hình như huyện Bắc Mê, việc nhân giống và nuôi cá Lăng, Chiên, Dầm xanh, Anh vũ gặp rất nhiều khó khăn trong mùa nước cạn; nhất là chất thải Chì, Kẽm của Công ty TNHH CKC (Bảo Lâm - Cao Bằng) ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân…
Anh Trần Thanh Hải, cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Bắc Mê chăm sóc cá Bỗng được nhân giống từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. |
Nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển chuỗi giá trị cá đặc sản, đáp ứng nhu cầu thị trường dựa trên phát triển các mô hình kinh tế hợp tác và ứng dụng khoa học - công nghệ, tỉnh ta đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra, tập trung sản xuất, cung ứng các giống cá đặc sản có chất lượng, tiến tới nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt giá trị kinh tế cao; phấn đấu đến năm 2020, giá trị ngành thủy sản đạt 100 - 150 tỷ đồng, chiếm 2 - 3% cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản; đến năm 2030, chiếm 4 - 6% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đạt giá trị 300 tỷ đồng; toàn tỉnh có khoảng 500 – 600 lồng, bè nuôi tại các hồ thủy điện.
Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh ta ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hình thành các cơ sở ươm giống cá bản địa và sản xuất giống cá tại chỗ; đầu tư trang thiết bị phục vụ sinh sản nhân tạo cá giống tại Trung tâm Thủy sản; hình thành các trạm vệ tinh sản xuất, cung ứng cá giống tại các xã vùng trọng điểm thủy sản. Đồng thời, giao các cơ quan chức năng khảo sát, rà soát các vị trí có khả năng nuôi cá lồng; có quy chế phối hợp với các Nhà máy Thủy điện để đặt lồng nuôi; hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất thủy sản…
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc