Quang Bình thực hiện các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cam Sành

16:28, 19/10/2018

BHG - Huyện Quang Bình là một trong 3 vùng trồng cam Sành trọng điểm của tỉnh với diện tích 2.582 ha. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch  khoảng 1.400 ha, năng suất bình quân đạt 98 tạ/ha, sản lượng đạt 13.956 tấn/năm. Sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam Sành của địa phương ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Để phát huy thế mạnh kinh tế, UBND huyện xây dựng các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cam Sành theo hướng bền vững.

Anh Đặng Văn Dân (bên phải), thôn Buông, xã Tiên Yên giới thiệu vườn cam trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Đặng Văn Dân (bên phải), thôn Buông, xã Tiên Yên giới thiệu vườn cam trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đặc sản cam Sành của huyện Quang Bình tập trung chủ yếu ở 9 xã, thị trấn gồm: Vĩ Thượng, Tiên Yên, Hương Sơn, Yên Hà, Xuân Giang, Bằng Lang, Tân Trịnh, Tân Bắc và thị trấn Yên Bình. Những năm qua, nhờ các chủ trương hỗ trợ kịp thời của tỉnh như: Quyết định số 1047 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020; Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1838 của UBND tỉnh về việc Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2020…, đã mang đến nguồn lực mạnh mẽ, tạo đà cho người nông dân nắm bắt cơ hội phát triển loại cây chủ lực, mũi nhọn kinh tế.

Trước kia, người trồng cam chỉ theo kinh nghiệm truyền thống, hạn chế trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc cây thời kỳ cắt tỉa tạo tán, phòng trừ sâu bệnh. Vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bà con đã thay đổi nhận thức, tư duy để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2016 - 2017, huyện thành lập 25 Tổ sản xuất và 2 Hợp tác xã sản xuất cam theo hướng VietGAP trên địa bàn 7 xã với 1.024 hộ tham gia, diện tích thực hiện 989 ha. Riêng năm 2018, chứng nhận tăng thêm 127,4 ha VietGAP tại 3 xã (Hương Sơn 50 ha, Bằng Lang 47,4 ha và Yên Hà 30 ha). Đồng thời, các xã lựa chọn hộ tiêu biểu, có diện tích liền kề xây dựng thành điểm mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để làm điểm du lịch sinh thái của huyện, hình thành cơ sở tham quan, học tập và nhân rộng. Quan điểm của huyện là giữ ổn định cây cam Sành hiện có, không khuyến khích nhân dân trồng mới, tránh phát triển "nóng" dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá".

Anh Đặng Văn Dân, thôn Buông, xã Tiên Yên cho biết: "Vừa qua, nhờ nguồn vốn vay 80 triệu đồng từ Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh, tôi tiến hành chăm sóc hơn 2 ha cam Sành theo chương trình VietGAP. Mỗi năm, cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả, giá bán trung bình 12 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, thu nhập trên 100 triệu đồng. Khi tham gia Tổ cam Sành VietGAP của thôn, tôi dần thấy rõ lợi ích của việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc cam; mỗi thành viên phải có một cuốn sổ ghi chép toàn bộ thời gian, liều lượng sử dụng thuốc, phân bón vi sinh cho cây. Cuối năm, đến vụ thu hoạch, cam được dán nhãn mác, nguồn gốc cụ thể trước khi đến tay người mua nên yên tâm về chất lượng. Từ cây cam, gia đình tôi có điều kiện sửa lại nhà, cho con ăn học đầy đủ; hy vọng năm nay, cam tiếp tục được giá, đem đến sự sung túc, ấm no cho bản làng nơi đây".

"Xã Hương Sơn có tổng diện tích cam, quýt là 638 ha và 8 Tổ sản xuất cam VietGAP với 300 hộ tham gia, quy mô 478 ha. Thời điểm này, cam Sành đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Để có quả cam sạch, khẳng định uy tín, chất lượng cao, các hộ được cấp cây giống đầu dòng tiêu chuẩn để nhân giống sản xuất bằng mắt ghép, cành chiết; hàng năm tham gia đầy đủ lớp tập huấn chăm sóc cam, nhất là phun thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly, cấm sử dụng thuốc trừ cỏ; thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, xã có 90 hộ được giải ngân vốn với 13 tỷ đồng, tạo động lực thúc đẩy mô hình cam VietGAP. Với sản lượng đạt hơn 3 nghìn tấn/năm, cây cam Sành đã minh chứng làm giàu cho quê hương, khi có nhiều hộ thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất vẫn là bài toán về đầu ra sản phẩm, vì giá cả bếp bênh". Đồng chí Đặng Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn chia sẻ.

Qua trao đổi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Phùng Viết Vinh cho biết: Để nâng cao chuỗi giá trị cam Sành, chủ trương của huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể về giống cam, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Nhằm quảng bá thương hiệu, thông tin tuyên truyền để mở rộng thị trường tiêu thụ cam Sành niên vụ 2018 - 2019, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tham gia Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và tổ chức Hội thi "Sản phẩm cam Sành huyện Quang Bình" thời gian tới, để kết nối, tìm kiếm đầu mối tiêu thụ... Cùng với đó, tăng cường vận động, hướng dẫn nhân dân, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn và hướng đến phát triển lâu dài.

Bài, ảnh: Mộc Lan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê, nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp sạch

BHG - Huyện Bắc Mê có trên 85% dân số sống bằng nghề nông. Để các hộ dân sống tốt bằng nghề nông cũng như tạo nét đặc trưng bằng chính uy tín của các sản phẩm, UBND huyện Bắc Mê đã đưa ra nhiều giải pháp, cơ chế nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Từ những bài học về tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sử dụng hóa chất, chất bảo quản cấm trong sơ chế, chế biến nông – lâm - thủy sản, sử dụng thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat... 

19/10/2018
Lên Thượng Sơn thưởng thức "chè mây" Shan tuyết

BHG - Nằm dưới chân dải Tây Côn Lĩnh, với độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển; xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của giống chè Shan tuyết. Với màu nước vàng mật bắt mắt, cùng vị chan chát, ngọt hậu và hương thơm dịu nhẹ đặc trưng…; chè Shan tuyết Thượng Sơn đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính cả trong và ngoài tỉnh.

 

19/10/2018
Bắc Quang cần xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản chủ lực bên bờ Đông sông Lô

BHG - Những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã chú trọng phát triển nông sản hàng hóa bên bờ Đông sông Lô. Thế mạnh, tiềm năng của vùng chính là lúa gạo, kinh tế rừng và chăn nuôi gia súc, thuỷ sản; nhưng để khai thác hiệu quả, vẫn còn nhiều việc phải làm.

19/10/2018
Hoàng Su Phì từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế "mũi nhọn"

BHG - Là huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh, với độ cao trung bình trên 800 mét so với mực nước biển; Hoàng Su Phì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn và được đánh giá là vùng đất có tiềm năng lớn về du lịch (DL). Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa DL trở thành ngành kinh tế "mũi nhọn" gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo; qua đó, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

 

19/10/2018