Thành phố Hà Giang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại

16:04, 17/09/2018

BHG - Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Giang được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch và đối ứng của Chính phủ Việt Nam, triển khai thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2016 - 2020, triển khai trên địa bàn 2 phường Trần Phú và Minh Khai với tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng, xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 3 nghìn m3/ngày đêm, công nghệ xử lý theo tiêu chuẩn châu Âu. Giai đoạn 2, từ năm 2020 - 2030, tiếp tục mở rộng và nâng công suất thu gom, xử lý, đầu tư xây dựng tại các khu vực mở rộng của phường Nguyễn Trãi, Quang Trung. Sau hơn 10 năm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, đến nay dự án cơ bản hội tụ đủ các yếu tố cần thiết và sẽ khởi công xây dựng trong quý IV.2018.

Theo nghiên cứu của cơ quan chuyên môn, những năm gần đây, bộ mặt đô thị thành phố Hà Giang phát triển mạnh, nhưng hiện chưa được đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường đồng bộ, hiện đại. Hệ thống thoát nước hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị, nước mưa, nước thải sinh hoạt chảy tràn trên đường phố, các ngõ, hẻm xuống ao, hồ, kênh mương và sông Lô… gây tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường. Hiện chỉ một số tuyến phố, trong quá trình làm đường đã xây dựng tuyến mương thoát nước và chỉ có tác dụng thoát nước mặt đường.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đô thị là hiện chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Nước thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân được xả trực tiếp ra các rãnh thoát nước dọc đường, mương thoát nước sau nhà... gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và cảnh quan thiên nhiên, sức khoẻ người dân cũng như nguồn nước ngầm tầng mạch nông... Toàn bộ lượng nước thải của thành phố chưa được xử lý, xả thẳng xuống sông Lô gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân. Đặc biệt, việc xả nước thải chưa qua xử lý nơi đầu nguồn sông Lô sẽ gây ô nhiễm cả dòng sông, ảnh hưởng trực tiếp tới các vùng hạ du.

Chính vì vậy, Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Giang được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường theo hướng tích cực, giải quyết tình trạng bức xúc nhất hiện nay - ô nhiễm môi trường do nước thải, đồng thời khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ về mùa mưa. Dự án góp phần làm thay đổi diện mạo, đưa thành phố trở thành đô thị văn minh, sạch đẹp. Đây là một bước quan trọng trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, giúp ngăn ngừa và loại bỏ các dịch bệnh, giảm tỷ lệ các bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra.

Hiện nay, Ban Quản lý các dự án Cấp, thoát nước tỉnh đang tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan, nhà thầu thiết kế - thi công và chính quyền địa phương nhằm sớm khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống thu gom nước thải theo đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt. Qua công tác tuyên truyền, người dân và các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm, mong muốn dự án sớm triển khai, được vận hành một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cư dân đô thị. Trong quá trình thực hiện dự án, các hoạt động thi công xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống nhân dân, vì vậy, rất mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông để dự án hoàn thành đúng tiến độ.     

Tiến Chiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn sau hơn 2 năm thực hiện đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm

BHG - Đồng Văn là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh, được hưởng chính sách 30a của Chính phủ; có trên 80% lao động nông nghiệp. Do đặc thù lực lượng lao động nông thôn (LĐNT) của huyện chủ yếu đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống, thu nhập, trình độ dân trí hạn chế… nên công tác dạy nghề gặp nhiều trở ngại. Để giúp số lao động này có việc làm phù hợp, cải thiện đời sống luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.

 

17/09/2018
Những mô hình hiệu quả của Nhà nông huyện Quang Bình

BHG - Có dịp được cùng các đồng chí lãnh đạo Hội làm vườn tỉnh và huyện khảo sát mô hình hiệu quả cao của bà con nông dân các xã Yên Hà, Hương Sơn và Tiên Yên (Quang Bình). Được nghe các Nhà nông trao đổi kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng sao cho hiệu quả; nghe mấy bác chủ vườn bàn chuyện làm ăn, cũng như bày tỏ quan điểm của mình khi triển khai làm vườn thời công nghệ 4.0… tôi nhận ra 1 điều để kiếm được tiền tỷ từ vườn cây ăn quả thì kiến thức của mấy bác chủ nhà vườn, chí ít cũng ngang bằng cán bộ khuyến nông viên cơ sở.

17/09/2018
6.643 hộ dân được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh

BHG - Ngày 10.12.2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 209 về chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và ban hành Nghị quyết 86, ngày 14.7.2017 về bổ sung một số nội dung cho vay theo Nghị quyết 209. Sau thời gian triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn, chính sách đã đi đúng và trúng ý nguyện của người dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và mang lại hiệu quả thiết thực.

17/09/2018
Hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp phát triển bền vững mật ong Bạc Hà

BHG - Chiều 14.9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ để bàn giải pháp phát triển bền vững mật ong Bạc Hà. Đồng chí Nguyễn Khắc Quyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương chủ trì Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Tại điểm cầu các huyện có lãnh đạo, đơn vị, phòng ban liên quan của huyện.

14/09/2018