Nhân rộng Mô hình HTX trồng rừng ở Vị Xuyên
BHG - Là địa phương có diện tích rừng lớn, những năm qua, để tăng độ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái và giúp người dân có thêm sinh kế từ rừng; huyện Vị Xuyên đã thành lập và nhân rộng Mô hình Hợp tác xã (HTX) trồng rừng tại một số địa phương có lợi thế về đất lâm nghiệp như: Kim Thạch, Bạch ngọc, Ngọc Minh, Thuận Hòa.
Rừng keo Úc 2 tuổi của HTX Trồng rừng xã Bạch Ngọc đang phát triển tốt. |
Được thành lập đầu tiên vào đầu năm 2016 tại xã Kim Thạch, với tên gọi HTX Dân quân trồng rừng (DQTR) xã Kim Thạch; các thành viên là lực lượng dân quân và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX. HTX DQTR xã Kim Thạch được giao 80 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát huy hiệu quả; phủ xanh toàn bộ đất trống, đồi núi trọc được giao và tạo công ăn, việc làm cho các thành viên. Từ thành công bước đầu, huyện Vị Xuyên đã trực tiếp kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo nhân rộng mô hình HTX DQTR tại một số xã trên địa bàn và đổi tên thành HTX trồng rừng; lực lượng chính vẫn là các thành viên dân quân. Từ đây, HTX Trồng rừng xã Bạch Ngọc, Ngọc Minh, Thuận Hòa lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả.
Tại xã Bạch Ngọc, 35 ha cây keo úc của HTX Trồng rừng xã Bạch Ngọc đang bước vào tuổi thứ 2, thứ 3. Nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vị Xuyên, Trạm Kiểm lâm km 21, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; phòng, chống sâu, bệnh,… đến nay, rừng cây đều sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao cây trung bình từ 2,5 m – 3 m, đường kính trung bình 5 – 6 cm.
Đồng chí Vi Quang Võ, Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, Giám đốc HTX Trồng rừng Bạch Ngọc dẫn chúng tôi lên tận đỉnh núi để ngắm cho “đã mắt” thành quả của HTX trong hơn 2 năm qua. Chỉ tay về phía những rừng keo đang vươn lên mạnh mẽ, Giám đốc Võ chia sẻ: “Trước đây, chỗ này toàn là cây bụi, trảng cỏ, lau lách, không có đường đi; người dân trong thôn ngại khó nên không ai nhận trồng rừng. Nếu không có quyết tâm, thì HTX cũng không làm được, bởi để có một diện tích rừng như hiện nay, các thành viên HTX đã bỏ rất nhiều công sức. Ngoài việc phát dọn thực bì, đào hố trồng cây, chúng tôi phải vác từng bao tải phân, từng cây giống leo đường núi dốc đứng để trồng rừng. Khi mới thành lập, HTX có 52 thành viên, nhưng chỉ góp được hơn 12 triệu đồng tiền vốn điều lệ, vì các thành viên đều rất khó khăn; đến nay, vốn điều lệ đã tăng lên trên 100 triệu đồng, diện tích trồng rừng cũng tăng từ 5 ha lên 35 ha sau hơn 2 năm HTX đi vào hoạt động; dự kiến đến hết năm 2018, HTX tiếp tục mở rộng diện tích thêm 15 ha”.
Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc Giàng Seo Nhì, cho biết “Sự thành công bước đầu của HTX trồng rừng không chỉ giúp tăng độ che phủ rừng của xã mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức và tích cực trồng rừng. Trong năm 2017, toàn xã đã tăng thêm 200 ha rừng kinh tế, độ che phủ rừng đat 68,8%. Thành lập HTX để phát triển kinh tế, nhưng lực lượng dân quân luôn bố trí thời gian hợp lý để phân công các thành viên chăm sóc, bảo vệ rừng; luôn có lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành các nhiệm vụ được giao”.
Tại hội nghị đánh giá, nhân rộng các mô hình điển hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Vị Xuyên, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm và đánh giá cao hiệu quả Mô hình HTX trồng rừng; việc nhân rộng mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, giúp các thành viên nâng cao thu nhập, mà còn mang ý nghĩa xã hội lớn, làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về phát triển kinh tế rừng, tăng độ che phủ rừng và giữ gìn môi trường sinh thái; phát huy tinh thần xung kích của lực lượng dân quân địa phương trong phát triển kinh tế. Trong giai đoạn tiếp theo, để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế lâm nghiệp, huyện Vị Xuyên tiếp tục nhân rộng các HTX trồng rừng tại các địa phương có lợi thế đất lâm nghiệp; trong đó, chú trọng phát triển rừng chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc