Môi trường - tiêu chí khó trong xây dựng Nông thôn mới

16:57, 24/09/2018

BHG - Từ khi bắt tay thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM) đến nay, tỉnh ta có 23/177 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 6 xã đạt từ 11 - 15 tiêu chí; 21 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 125 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí… Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng trên đường về đích NTM, các địa phương phải vượt qua rất nhiều “cửa ải” khó khăn; nhiều xã được công nhận nhưng có những tiêu chí vẫn phải cho nợ hoặc châm trước. Đặc biệt, tiêu chí môi trường được xác định là một trong những “cửa ải” khó vượt qua.

Theo quy định, địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM phải hoàn thành 19 tiêu chí. Trong đó, muốn đạt tiêu chí môi trường phải hoàn thành 5 nội dung gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia đạt 75%; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường, có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Người dân xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) tích cực tham gia làm đường giao thông.
Người dân xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) tích cực tham gia làm đường giao thông.

Nhìn nhận quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, tổ chức triển khai sát điều kiện, nguồn lực địa phương, tạo đồng thuận trong dân. Trong đó, phương châm “việc dễ làm trước, khó làm sau”, “cần ít tiền làm trước, nhiều tiền làm sau” được các địa phương vận dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh có các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo quyền chủ động cho các huyện, xã và cộng đồng dân cư lồng ghép các chương trình, dự án… nên đã huy động hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách cho xây dựng NTM.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế như: Công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, xã có nơi chưa quyết liệt, nhất là các xã không nằm trong kế hoạch công nhận đạt chuẩn NTM; nhiều quy định, tiêu chí xây dựng NTM chưa phù hợp với điều kiện địa phương; tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã còn cao, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp… gây khó khăn cho việc huy động nguồn lực trong dân; nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM toàn tỉnh còn cao.

Thực tế cho thấy, bên cạnh các tiêu chí đạt được, tiêu chí môi trường được xem là khó thực hiện nhất. Nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia chỉ rõ: Hiện nay, môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khâu xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề… chưa thực sự được coi trọng. Dù đã nhiều nỗ lực, nhưng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh, chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Hơn nữa, các hộ chăn nuôi xử lý môi trường nhưng không triệt để, xả thải ra môi trường; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, do thiết bị, công nghệ sản xuất công nghiệp, làng nghề còn lạc hậu, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có các công trình xử lý nước thải nên hậu quả ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hóa tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường, trong đó không thể tránh khỏi việc môi trường sống đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư. Bên cạnh đó, chất thải rắn phát sinh từ các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, làng nghề... cũng ảnh hưởng môi trường nông thôn. Mặc dù, nhiều địa phương đã có những giải pháp tích cực, nhưng mới chỉ mang tính tạm thời, chưa bền vững.

Trong buổi giám sát công tác xây dựng NTM gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên đề nghị: Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, cấp thường xuyên tổ chức các buổi giao ban nhằm đánh giá những mặt làm được, chưa làm được trong xây dựng NTM; quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch nhà ở, cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn; tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho các xã nằm trong kế hoạch đạt tiêu chí NTN năm 2018; quan tâm cân đối nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh cho huyện, xã để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM. Đối với các huyện có xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn xây dựng NTM năm 2018, cần có đánh giá cụ thể các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, giáo dục… tránh thành tích.

Thực hiện tốt chỉ đạo trên, đặc biệt chú trọng tiêu chí môi trường chúng ta mới có thể xây dựng được những xã NTM thực sự là miền quê đáng sống.

Tiến Chiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đậm đà hương vị chè Shan tuyết Túng Sán

BHG - Nằm dưới chân Tây Côn Lĩnh, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) có độ cao trung bình 1.052 m so với mực nước biển, khí hậu phù hợp với cây chè Shan tuyết. Nhiều năm qua, sản phẩm chè Shan tuyết Túng Sán được nhiều người ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon, hương vị đặc trưng. Cách trung tâm xã khoảng 4 km, thôn Phìn Sư có khí hậu mát mẻ, quanh năm bao phủ bởi làn sương tinh khiết và thổ nhưỡng phù hợp đã thúc đẩy sự phát triển của cây chè Shan tuyết. Với 20 ha chè cổ thụ, sống ở độ cao hơn 1 nghìn mét so với mực nước biển, quanh năm đâm chồi, nảy lộc...

24/09/2018
Đức Xuân, chuyển biến tích cực sau 3 năm thực Chương trình CPRP

BHG - Sau 3 năm thực hiện Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), tổng thể KT - XH xã Đức Xuân (Bắc Quang) từng bước nâng lên, sản xuất nông - lâm nghiệp có chuyển biến, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Thông qua các Nhóm cùng sở thích (GIC) hoặc hỗ trợ phụ nữ vay vốn tín dụng tiết kiệm (TDTK) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, tiến đến sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đức Xuân có 8 thôn, bản; 5 dân tộc cùng sinh sống với 509 hộ, hơn 2.300 khẩu. Tháng 4.2015, Chương trình CPRP... 

24/09/2018
Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật ở Mèo Vạc

BHG - Lâu nay, người dân Mèo Vạc có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách tự ý, không theo hướng dẫn; nhiều loại thuốc BVTV người dân sử dụng được bán trôi nổi trên thị trường. Siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) huyện Mèo Vạc đang triển khai nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Khó kiểm soát thuốc BVTV. Theo đồng chí Cao Trung Thiệp, Đội trưởng Đội QLTT số 10 huyện Mèo Vạc: Thuốc BVTV bán trên địa bàn huyện chủ yếu hàng lậu, có nhãn hiệu chữ nước ngoài...

24/09/2018
Huyện Quản Bạ bàn giải pháp phát triển các sản phẩm theo Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang

BHG - Ngày 21.9, UBND huyện Quản Bạ đã tổ chức họp bàn giải pháp phát triển các sản phẩm theo Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP) của huyện. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT; lãnh đạo huyện Quản Bạ, các phòng, ban chuyên môn của huyện.

22/09/2018