Huyện Xín Mần chú trọng phát triển các Tổ hợp tác và HTX
BHG - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần, đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể. Trong đó hạt nhân chính là các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và các Tổ hợp tác, các Nhóm sở thích tại các thôn, bản và các xã trên địa bàn. Hiện trên địa bàn huyện có tổng số 41 HTX, các HTX được củng cố kiện toàn tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó các HTX chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới đã không ngừng cải tiến phương thức hoạt động: Thể hiện tốt vai trò HTX làm cầu nối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi; hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; làm đại lý, ủy thác bao tiêu sản phẩm cho HTX một cách hiệu quả, thiết thực.
Thành viên Tổ hợp tác thôn Hậu Cấu, xã Xín Mần (Xín Mần) chăm sóc mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu. |
Bên cạnh hoạt động của HTX thì vai trò của các Tổ hợp tác, các Nhóm sở thích cũng đang ngày càng phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò, chức năng của mình trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện. Hiện tại huyện Xín Mần có 179 Tổ hợp tác sản xuất nông - lâm nghiệp, với tổng 11.500 tổ viên là các hộ sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong đó có tới 1.238 tổ viên tham gia thành phần của ban lãnh đạo cấp thôn, bản. Cơ cấu ban lãnh đạo Tổ hợp tác trên địa bàn huyện thường gồm 7 người: Tổ trưởng là Bí thư hoặc Trưởng thôn do nhân dân bầu ra. Nhờ vai trò kép nêu trên, nên hoạt động của Tổ hợp tác hết sức hiệu quả và linh hoạt. Tổ hợp tác vừa xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển sản xuất có sự tham gia của người dân trên địa bàn thôn, bản. Vừa quản lý vận hành cơ sở hạ tầng trên địa bàn nông thôn gồm hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng, hệ thống cấp nước sinh hoạt, trụ sở thôn bản. Tổ hợp tác cũng là đầu mối quản lý và sử dụng Quỹ phát triển thôn, Quỹ đầu tư có thu hồi và tái đầu tư; đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung ứng vật tư sản xuất, cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong thôn…
Hộ Hoàng Ngọc Chung, thôn Quảng Hạ xã Quảng Nguyên (Xín Mần) phát triển Mô hình chăn nuôi lợn đen hàng hóa sau khi tham gia Tổ hợp tác. |
Có thể khẳng định, phát triển các Tổ hợp tác, Nhóm sở thích là một trong những giải pháp hữu hiệu để các hộ nông dân giúp đỡ nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất đi vào nề nếp, quy củ, đồng thời nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của bộ máy quản lý cấp thôn, bản. Trên thực tế tại các các thôn bản trên địa bàn huyện Xín Mần, khi các Tổ hợp tác và các Nhóm sở thích ra đời đã thu hút được đa số các hộ nông dân trên địa bàn tham gia, vì mô hình này thực sự hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp nông thôn; phù hợp phương thức canh tác và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi của bà con nông dân vùng cao, giúp bà con chủ động hơn trong lĩnh vực sản xuất.
Huyện Xín Mần có kế hoạch trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vận động thành lập các HTX, Tổ hợp tác, khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX, Tổ hợp tác ra đời và phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tiếp tục hướng dẫn cho bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, để bà con nông dân tăng cường khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, tăng doanh thu, ổn định việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Ý kiến bạn đọc