Hợp tác xã Nà Xá đi đầu đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê
BHG - Để góp phần vào Chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Bắc Mê, những năm qua, việc đổi mới các hợp tác xã (HTX) đã giúp đưa thêm nhiều mô hình, phương pháp hay vào phát triển nông nghiệp địa phương. Một trong các HTX đi đầu ở Bắc Mê là HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Xá đưa công nghệ mạ khay, máy cấy và máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất được xem là những bước tiến mới, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
HTX Nà Xá ở thôn Nà Xá, xã Yên Định (Bắc Mê) hiện có hơn 10 thành viên cùng một máy gặt đập liên hoàn và hơn 5.800 khay mạ. Ban đầu, HTX chủ yếu phục vụ các thôn trên địa bàn xã, sau khi thấy được hiệu qua, nhiều xã xung quanh như Minh Ngọc, Minh Sơn cũng đăng ký và thuê máy từ HTX. Trong vụ Xuân vừa qua, đối với mạ khay bà con đăng ký làm hơn 5.800 khay, cấy trên 20 ha, vụ Mùa do một số bà con trồng lúa nếp và tự mua khay về làm mạ nên lượng đăng ký tại HTX giảm còn 4.600 khay; đối với máy gặt mỗi vụ số lượng đăng ký khoảng trên 25 ha.
Là HTX đầu tiên của huyện ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, anh Lò Quang Thái, Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ nắm được chủ trương của huyện về hỗ trợ người dân trong việc xây dựng HTX và khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bản thân mạnh dạn đăng ký với xã để mở HTX. Qua đó, nhận được nguồn vốn hỗ trợ của huyện và đã xuống Hải Phòng đặt mua máy gặt đập liên hoàn, cùng với đó tham khảo đưa thử nghiệm công nghệ mạ khay, máy cấy vào áp dụng trên địa bàn. Ban đầu, do là loại hình mới nên nhiều người dân chưa tin dùng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm có mặt trên thị trường, lượng người đăng ký và sử dụng ngày một tăng, đặc biệt vào những vụ chính không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân...”.
Đánh giá về những hiệu quả của HTX, đồng chí Nguyễn Thị Ngoan, Bí thư Đảng ủy xã Yên Định cho biết: “Việc hình thành HTX đã giúp thay đổi phương pháp và tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt cho thấy những hiệu quả ban đầu như: Giải phóng sức lao động của nông dân; tăng năng suất lúa; đồng bộ về giống lúa, thời điểm thu hoạch; bắt kịp khung thời vụ; giúp việc vận động người dân dồn điền, đổi thửa trở nên dễ dàng hơn... Những kết quả HTX mang lại đã giúp xã cũng như huyện giải quyết được bài toán khó về phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và áp dụng công nghệ cao”.
Bác Nguyễn Văn Châm, thôn Nà Xá, xã Yên Định - một trong những hộ hàng năm đăng ký dịch vụ của HTX, cho biết: “Kể từ khi biết đến máy gặt, gia đình đã hăng hái đăng ký đầu tiên, bởi nhà có nhiều diện tích ruộng. Bình quân, mỗi vụ thuê gặt từ HTX 2 – 3 ha và đặt hơn 150 mạ khay. Với việc có máy gặt và mạ khay, giúp gia đình giảm sức lao động rất nhiều, nếu như những năm trước chưa có máy gặt, gia đình phải thuê thêm người và đổi công cho anh em, vừa mất thời gian, đòi hỏi nhiều công sức. Nhưng nay, với diện tích lúa hiện có chỉ cần trong 2 – 3 tiếng là có thể hoàn thành, vừa sạch sẽ mà tận dụng được thời gian phơi thóc. Với mạ khay thì giúp lúa phát triển đều hơn, đặc biệt là có thể dễ dàng sử dụng máy cấy. 2 công đoạn được cho là mất nhiều công nhất, nay đã giảm hẳn...”.
Nhờ những hiệu quả ban đầu, HTX đã có lợi nhuận từ việc mua máy và đầu tư cơ sở hạ tầng, ngày một đông người dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ. Tiến tới, HTX sẽ mua thêm một máy gặt đập liên hoàn và mở thêm dịch vụ ươm cây giống, nhằm cung ứng giống và đáp ứng những nhu cầu của người dân.
Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc