Hội thảo Kế hoạch đầu tư Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cá Đặc sản tỉnh Hà Giang
BHG - Ngày 11.9, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức Hội thảo Kế hoạch đầu tư Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cá Đặc sản tỉnh Hà Giang. Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan; Ban thực thi CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa); Trung tâm Thủy sản; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Các đại biểu thảo luận về Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cá Đặc sản. |
Theo đánh giá, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh đến năm 2020 khoảng 31 – 32 nghìn tấn, trong khi đó sản lượng thủy sản hiện tại toàn tỉnh mới đạt trên 1,8 nghìn tấn. Trong những năm qua, phong trào nuôi cá nước ngọt tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các hồ chứa tự nhiên đã và đang được thực hiện với nhiều loài cá như: Trắm, Trôi, Mè, Chép địa phương… nhiều hình thức nuôi cá lồng/bè và thả nuôi tự nhiên các loại cá đặc sản như: Bỗng, Lăng, Chiên. tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Theo số liệu thống kê hàng năm, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ngày càng tăng. Năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 1.994,3 ha, sản lượng đạt trên 1.800 tấn, tăng 720 tấn so với năm 2005 và tăng 461 tấn so với năm 2010. Giá trị đạt tới 78,8 tỷ đồng, bước đầu đã đem lại thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân..
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận định hướng về Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cá Đặc sản, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai. Điển hình như: Việc nhân giống và nuôi cá Dầm Xanh, Anh Vũ trên địa bàn huyện Bắc Mê gặp rất nhiều khó khăn trong mùa nước cạn; khó khăn trong xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm cá; tiến độ triển khai kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch theo lộ trình không kịp thời…
Theo kế hoạch đầu tư Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cá đặc sản của tỉnh giai đoạn 2018 - 2025 sẽ thực hiện chủ yếu trên địa bàn 6 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ, thành phố Hà Giang và một số nơi có điều kiện phù hợp với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 27,7 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, 100% các hồ, đập tự nhiên được đầu tư nuôi trồng thủy sản và có chủ quản lý. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 600 lồng nuôi cá trên sông và các hồ thủy điện; trong đó, tỷ lệ nuôi cá Đặc sản đạt 50%; sản xuất giống thủy sản đạt 100 triệu cá bột, 35 triệu cá giống đặc sản.
Tin, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc