Hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi - hiện thực hóa tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Văn
BHG - Một trong những khó khăn của huyện biên giới Đồng Văn là thiếu đất canh tác, thiếu nước phục vụ sản xuất, mặt bằng dân trí còn thấp nên việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế… Trước thực tế trên, tỉnh, huyện đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân vượt qua những trở ngại, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm sức lao động, từng bước giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua đơn vị đã chủ động tham mưu cho huyện có các quyết sách phù hợp, tạo sức lan tỏa lớn như: Trong chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT), huyện Đồng Văn đã khảo sát, bình chọn bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại các hộ chăn nuôi; phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phố Bảng, mở các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn các xã, thị trấn về quy trình, kỹ thuật TTNT; phổ biến kiến thức cơ bản, giúp người dân nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái. Cùng đó, linh hoạt áp dụng kịp thời cơ chế hỗ trợ tiền công cho các dẫn tinh viên theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh với định mức 230 nghìn đồng/con bò thụ tinh thành công; hỗ trợ vật tư thụ tinh cho bò theo Quyết định 22 của UBND tỉnh với mức 475 nghìn đồng/con bò thụ tinh thành công. Với cách triển khai chủ động, tích cực, từ năm 2016 đến tháng nay, huyện Đồng Văn đã TTNT cho 2.011 con bò, đạt trên 150% kế hoạch, trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong TTNT đàn bò.
Cán bộ Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng chăm sóc vườn lê ghép phục vụ Đề án phát triển cây lê của huyện Đồng Văn. |
Xuất phát từ thực tế số lượng đàn gia súc của huyện lớn, 105 nghìn con, trong đó đàn bò 27.318 con, đàn trâu 1.296 con; sau nhiều năm tuyên truyền, diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi tăng lên trên 2 nghìn ha. Tuy nhiên, người dân chưa có ý thức trong việc chăm sóc, chế biến, bảo quản, dự trữ dẫn đến thiếu nguồn thức ăn vào mùa Đông. Khắc phục tình trạng này, huyện Đồng Văn giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai chương trình ủ chua cỏ, dự trữ thức ăn cho gia súc. Thời gian đầu thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ túi ni - lon, bột cám ngô, muối; người dân đóng góp thức ăn thô xanh, công lao động; cán bộ cơ quan chuyên môn đến từng thôn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia súc và hướng dẫn kỹ thuật, thao tác ủ chua cỏ, đảm bảo dự trữ trong thời gian từ 4 - 5 tháng. Cách làm này đã giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn có chất lượng tốt cho gia súc, giảm thiểu tình trạng gia súc chết do đói, rét trong mùa Đông.
Một trong những chương trình hỗ trợ sản xuất khác, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp là huyện Đồng Văn đã ban hành Đề án phát triển cây lê. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020 tiến hành trồng mới 66,6 ha tại 8 xã, thị trấn. Về cơ chế chính sách, huyện hỗ trợ người dân trồng mới 8 triệu đồng/ha; được hỗ trợ lãi suất vốn vay tối đa 15 triệu đồng/ha trong thời gian 5 năm; hỗ trợ người dân cải tạo cây lê già cỗi, kém chất lượng với mức 10 nghìn đồng/cây... Toàn bộ kinh phí thực hiện chương trình được vận dụng, lồng ghép từ nguồn 135, 30a của Chính phủ, sự nghiệp nông nghiệp, khoa học của tỉnh và huyện. Với sự chủ động, tích cực triển khai, đến nay người dân trồng được 91 ha, đạt 136% kế hoạch cả giai đoạn. Ngoài ra, huyện Đồng Văn còn thực hiện một số chương trình hợ trợ như: Mở rộng diện tích trồng rau trái vụ; phát triển cây Bạc hà nuôi ong nội; hỗ trợ hộ nghèo mua bò cái, dê sinh sản…
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: Các chương trình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi đã giúp người nông dân phát huy được tiềm năng, sử dụng hiệu quả diện tích đất canh tác, khai thác thế mạnh chăn nuôi đại gia súc; chủ động mở rộng diện tích cây vụ Đông, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp; được tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; sử dụng đồng vốn vay hợp lý… Từ đó từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển KT - XH trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc