Hà Giang, danh tiếng miền chè Shan - Kỳ cuối: Đi tìm các "cụ" chè Shan khổng lồ
BHG - Nhắc đến Hà Giang, đầu tiên mọi người sẽ nhắc đến miền đất chè. Nếu có niềm đam mê khám phá, ngoài việc được thưởng thức những hương chè riêng, lạ, bạn có thể bắt gặp nhiều điều đặc biệt từ những vùng chè nơi đây. Một trong những điều đặc biệt, đó là bạn có thể tận thấy những cây chè cổ thụ, khổng lồ hàng trăm tuổi, được coi là những di sản sống, biểu tượng cho lịch sử và sự phát triển của vùng chè Shan Hà Giang.
“Cụ” chè Sàng Sò ở xã Sủng Trà, Mèo Vạc. |
Chè cổ thụ thường bắt gặp ở các huyện vùng núi cao như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Sản phẩm chè bao đời nay có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế của người dân. Vì thế, trong bài hát “Hà Giang quê hương tôi” của nhạc sỹ Thanh Phúc, có câu hát ngọt lịm “Đây chè quê tôi cho những ai hẹn hò…”.
Nhiều lần trải nghiệm các huyện biên giới, tôi phát hiện ra đây là vùng đất của những “cụ” chè Shan khổng lồ. Ai đã đến những vùng chè cổ thụ nổi tiếng ở Yên Bái, Sơn La, Lai Châu…, được thấy những rừng chè cổ thụ sẽ đều ngạc nhiên, trầm trồ vì độ to, độ cổ kính của những “cụ” chè. Nhưng khi đến Hà Giang, sự sửng sốt về độ to, độ già của các “cụ” chè còn lớn hơn nhiều.
Năm 2004, trong một lần thực hiện Đề tài nghiên cứu về vai trò của già làng, trưởng họ ở Hà Giang do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai, tôi có dịp đến xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì. Đặc biệt tại thôn Nậm Piên, khi lần đầu nhìn thấy một “cụ” chè khủng ở đây, tôi đã không khỏi sởn da gà bởi giữa tiết trời mùa Đông, “cụ” chè hiện lên ít lá, cành khòng kheo, thân chè mốc như da con rắn hổ mang khổng lồ đang bành mang vươn lên. Hỏi những người già chừng 80 tuổi ở Nậm Piên, không ai biết “cụ” chè này bao nhiêu tuổi, chỉ biết từ khi các cụ còn bé đã nhìn thấy nó đứng ở đấy và to như thế rồi. Nhìn cây chè khổng lồ, chúng tôi tạm đặt tên là “cụ” chè Nậm Piên.
Được biết, huyện Hoàng Su Phì có hàng ngàn cây chè Shan tuyết cổ thụ. Đến thời điểm hiện tại, “cụ” chè Nậm Piên được coi là cây chè to nhất huyện, với vòng gốc gần 2 vòng tay người lớn ôm, độ cao khoảng 5,5m. Anh Phàn Sành Pấu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ty, cho biết: “Cụ” chè Nậm Piên này ước 300 năm tuổi, thuộc gia đình anh Phàn Dùn Sang, dân tộc Dao, hộ sở hữu khá nhiều cây chè cổ thụ từ 100 – 300 năm tuổi. Hiện tại xã có một nhóm sở thích đang lập kế hoạch phối hợp với gia đình anh Phàn Dùn Sang để xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với vườn chè cổ thụ nhằm giữ gìn những cây chè quý giá này.
Ngược một vòng lên tận Cao nguyên đá phía Bắc, năm 2006 trong lần phối hợp với xã Sủng Trà (Mèo Vạc) điều tra hộ nghèo ở thôn Sàng Sò của xã, tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ở vùng đá tai mèo này lại có những cây chè cổ thụ với tuổi đời từ vài chục đến vài trăm năm. Những thân chè xám mốc kiên cường vươn lên từ đá tạo nên một cảnh tượng rất kỳ bí. Do địa hình khó khăn, phải đến năm 2012 tôi mới có dịp trở lại thôn Sàng Sò và ngạc nhiên hơn khi ở nơi cảnh đẹp như thiên đường này có một “cụ” chè khổng lồ với vòng gốc to gần 2 vòng tay người lớn ôm, chiều cao cây ước chừng 5,5m. Chúng tôi tạm gọi tên cây chè này là “cụ” chè Sàng Sò. Cây chè khủng này thuộc hộ ông Sùng Dúng Nô. Ông Nô cho biết: Tôi gần 80 tuổi rồi, nhưng mấy chục năm nay sống với cây chè, vẫn thấy nó to như thế, vùng này chỉ có người Mông, ngoài cây chè to này còn nhiều gốc chè to tầm cái ấm đun nước ở vườn các hộ nữa.
Có một điều lạ là thôn Sàng Sò (Mèo Vạc) rất gần với xã Lũng Phìn (Đồng Văn), nơi nổi tiếng với những gốc chè cổ thụ trên 200 năm tuổi. Hiện tại dù có những gốc chè Shan cổ thụ, với tuổi đời có thể đến hàng trăm tuổi như vậy, nhưng trong khi vùng chè cổ Lũng Phìn đang được đánh thức thì những “cụ” chè Sàng Sò lại đang ngủ yên với lịch sử. Những thân chè cổ thụ Sàng Sò vẫn xanh lá, thân mọc đầy rêu phong, có cây còn ôm trọn cả một hòn đá lớn trong thân mình như khẳng định một quá khứ bao đời.
Trong quá trình tìm kiếm các “cụ” chè khổng lồ, mới đây tại thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên), phóng viên đã phát hiện thêm ít nhất một “cụ” chè thuộc loại “khủng” tại đây. Chúng tôi tạm gọi tên là “cụ” chè Lùng Tao. Cây chè có độ cao khoảng 6,5m, với vòng gốc tầm gần 2 vòng tay người lớn ôm. Chủ cây chè thuộc gia đình ông Đặng Văn Nguyên, dân tộc Dao, người được coi là “đại gia” chè ở Cao Bồ.
Anh Đặng Văn Quang, Trưởng thôn Lùng Tao, cho biết: “Cụ” chè Lùng Tao khoảng 300 năm tuổi, là cây to nhất xã Cao Bồ. Trên dải Tây Côn Lĩnh là vùng đất của những cây chè cổ thụ. Trong đó vùng Cao Bồ (Vị Xuyên) và Túng Sán (Hoàng Su Phì) là những nơi có nhiều cây chè khổng lồ nhất. Năm 2015, quần thể chè Shan tuyết tại 11 thôn với 220 cây chè cổ thụ của xã Cao Bồ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam. Đây là lần đầu tiên cây chè ở Việt Nam được công nhận là cây di sản.
Hà Giang, vùng đất cổ Shan trà trứ danh chắc chắn còn nhiều “cụ” chè khổng lồ chưa được phát hiện. Mong sao trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, bảo vệ, phát huy giá trị của những vùng chè Shan cổ thụ nói chung, những “cụ” chè khổng lồ nói riêng. Qua đó phát huy danh tiếng, thương hiệu của vùng Shan trà có một không hai trong cả nước.
Bài, ảnh: HUY TOÁN
[links()]
Ý kiến bạn đọc