Đồng Văn sau hơn 2 năm thực hiện đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm
BHG - Đồng Văn là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh, được hưởng chính sách 30a của Chính phủ; có trên 80% lao động nông nghiệp. Do đặc thù lực lượng lao động nông thôn (LĐNT) của huyện chủ yếu đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống, thu nhập, trình độ dân trí hạn chế… nên công tác dạy nghề gặp nhiều trở ngại. Để giúp số lao động này có việc làm phù hợp, cải thiện đời sống luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.
Gia đình chị Thào Thị Súa, thôn Sủa Pả, xã Phố Cáo (Đồng Văn) có thu nhập ổn định từ nghề may. |
Với chủ trương đào tạo nghề cho LĐNT, giải quyết việc làm gắn giảm nghèo bền vững, phù hợp nhu cầu thực tiễn của địa phương; mục tiêu đến hết năm 2020, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%, bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% - 7%; đào tạo nghề cho LĐNT đạt 6 nghìn người, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 1 nghìn lao động... Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn, chủ động mở các lớp Trung cấp nghề, đào tạo nghề ngắn hạn lưu động tại xã, thôn; lồng ghép các chương trình, dự án, chú trọng tuyên truyền, vận động các tổ chức, nhân dân tham gia học các nghề như: Kỹ thuật gieo trồng cây lương thực; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; kỹ thuật sửa chữa xe máy, may mặc, xây dựng, điện dân dụng…
Sau học nghề, nhiều người đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở các hiệu sửa chữa xe máy; xây dựng các trang trại nuôi bò, lợn; thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp… Từ năm 2016 đến nay, huyện Đồng Văn đã đào tạo nghề cho 2.887 người, đạt trên 72% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; tạo việc làm mới cho 5.034 lao động, đạt trên 50% kế hoạch; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 34%; tỷ lệ người học nghề, có việc làm đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 6%. Đặc biệt, từ cuối năm 2017 đến nay, thực hiện thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), huyện Đồng Văn đã chủ động đề xuất, mở các cuộc hội đàm với Chính quyền huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, triển khai các nội dung thỏa thuận; có 225 lao động đăng ký và đi làm việc tại Trung Quốc. Qua đó, vấn đề việc làm đang từng bước được giải quyết; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống đáng kể, an sinh xã hội được đảm bảo, nhận thức của người dân được nâng lên.
Chị Thào Thị Súa, thôn Sủa Pả, xã Phố Cáo chia sẻ: Ở nông thôn, thời gian nhàn rỗi nhiều do sản xuất nông nghiệp chỉ một vụ chính, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp, may lắm đủ ăn nên học nghề, có thêm việc làm, tăng thu nhập luôn là mong ước của chúng tôi. Tôi chọn học nghề may vì rất phù hợp ở nông thôn, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ; trung bình mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập hàng triệu đồng từ bán quần, áo; số tiền này đủ nuôi con ăn học.
Trong xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí chuyển đổi cơ cấu LĐNT từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp được nhận định khó thực hiện đối với huyện Đồng Văn; việc đăng ký học nghề của nhiều lao động và một số địa phương chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu người học, chưa gắn kết kế hoạch phát triển KT - XH. Bởi vậy, thời gian tới, huyện Đồng Văn đẩy mạnh liên kết với các tổ chức, đơn vị dạy nghề trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu nhu cầu học nghề gắn tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề… cung cấp “cần câu” thực sự chất lượng, giúp LĐNT chủ động “câu cá”, từng bước ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc