Bắc Mê, nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay vốn theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh
BHG - Nghị quyết (NQ) 209 và 86 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện vay vốn phát triển kinh tế. Nhưng khi triển khai vào cuộc sống cũng gặp khó khăn và huyện Bắc Mê đã đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn vốn.
Cán bộ Tổ thẩm định sơ bộ xã Đường Âm kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo Nghị quyết 209 của gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, thôn Pom Cút. |
Quá trình triển khai NQ 209 và 86 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện đã phát sinh một số vướng mắc như: Các bước làm hồ sơ vay vốn; nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Chứng minh thư nhân dân và Sổ hộ khẩu chưa trùng khớp; các hộ có nhu cầu vay vốn theo NQ 209 và 86 vẫn còn dư nợ; chuồng trại, diện tích cỏ chưa đáp ứng yêu cầu... Qua tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các điều khoản giải ngân, huyện Bắc Mê đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ. Theo đó, đối với các hộ chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chứng minh thư nhân dân, Sổ hộ khẩu chưa trùng khớp vẫn được vay, nhưng ghi rõ trong biên bản thẩm định về trách nhiệm của hộ dân. Các hộ còn dư nợ tuy không được vay theo NQ 209 để mua trâu, bò nhưng vẫn được xem xét cho vay theo các nội dung khác thuộc NQ 209 và 86 như nuôi lợn, dê, gia cầm. Thực hiện Công văn của Sở Nông nghiệp và PTNT về quy định vay vốn chăn nuôi lợn, gia cầm địa phương theo quy trình VietGAP, huyện không yêu cầu các hộ phải có Giấy chứng nhận VietGAP mới đủ điều kiện vay; thống nhất chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”...
Đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: “Đảng bộ huyện xác định thực hiện NQ 209 và 86 của HĐND tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, từ đó có chỉ đạo sát sao, định hướng cụ thể. UBND huyện đã cụ thể hóa NQ bằng các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền, biên tập các chính sách cho vay trong NQ và điều kiện vay vốn theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, niêm yết tại trụ sở thôn, UBND xã; các thủ tục vay vốn được cải cách nhanh gọn, kịp thời...”. Bằng việc xác định rõ và giải quyết đúng, sát thực thực tế nên việc thực hiện NQ 209 và 86 trên địa bàn huyện thu được nhiều kết quả. Đến nay, toàn huyện có 1.551 tổ chức, cá nhân đăng ký vay với tổng số vốn 161 tỷ đồng. Trong đó, đã thẩm định 100% hồ sơ, có 505 hồ sơ đủ điều kiện vay và giải ngân được hơn 50 tỷ đồng.
Là một xã từng có số lượng đăng ký vay vốn NQ 209 và 86 vào hàng thấp nhất so với các địa phương trong huyện. Nhưng 8 tháng đầu năm nay, Đường Âm đã giải ngân cho 10 hộ với tổng số vốn 990 triệu đồng. Đồng chí Hoàng Văn Lương, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ban đầu, cán bộ xã chưa nắm và hiểu những điều khoản theo NQ, nhưng khi huyện vào cuộc quyết liệt cùng với những văn bản và chỉ đạo trực tiếp, việc thẩm định giải ngân trở nên dễ dàng hơn. Qua đó, xã thành lập Tổ thẩm định sơ bộ, hỗ trợ các hộ vay về thủ tục và định hướng phương pháp nuôi, lựa chọn hình thức vay... nên đã khơi thông được nguồn vốn”.
Từ chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, kết hợp biện pháp tháo gỡ kịp thời của huyện đã giúp chính sách đi vào cuộc sống. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký vay vốn phát triển sản xuất; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các tổ chức, cá nhân sao cho đạt hiệu quả cao nhất...
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc