Phát triển kinh tế ở Thắng Mố, cần đổi mới toàn diện
BHG - Không phải ngẫu nhiên, đến nay Thắng Mố vẫn thuộc diện các xã nghèo nhất huyện Yên Minh; tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2017 (theo tiêu chí nghèo đa chiều) là 64%. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là ngô và một diện tích trồng lúa; chăn nuôi vẫn theo quy mô gia đình…
Cán bộ xã Thắng Mố rà soát hộ nghèo trên địa bàn. |
Thắng Mố nằm ở phía Bắc huyện Yên Minh, là một trong 4 xã biên giới, cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Với đặc thù xã vùng núi đá, thiếu đất và nước canh tác nên sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tổng diện tích tự nhiên của Thắng Mố trên 1.856 ha, nhưng tổng diện tích gieo trồng cây lương thực hàng năm chỉ có 350 ha, chiếm chưa đến 1/5 tổng diện tích toàn xã. Trong đó, đất sản xuất lúa 60 ha, còn lại 290 ha trồng ngô nhưng cũng chỉ được 1 vụ/năm. Thế nhưng, không phải năm nào cũng có thể gieo trồng đủ diện tích, như năm nay toàn xã gieo trồng được 45 ha lúa, đạt 75%; cây ngô cả năm ước thực hiện 279 ha, đạt 96%.
Thực tế cho thấy, xã Thắng Mố thường xuyên được các cấp, ngành, các nhà hảo tâm hỗ trợ, đặc biệt các chương trình hỗ trợ vật nuôi sinh sản, luân chuyển để phát triển kinh tế. Từ năm 2015 đến nay, toàn xã có 72 hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản, 20 hộ được hỗ trợ lợn nái sinh sản. Lãnh đạo xã Thắng Mố khẳng định: Trừ những hộ neo đơn, người già, tàn tật; còn lại gần 100% các hộ đều có ít nhất 1 con trâu, bò nuôi sinh sản. Ngoài các chương trình hỗ trợ, xã cũng thường xuyên được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; kéo điện lưới Quốc gia; xây dựng “hồ treo”, các công trình cấp nước sinh hoạt… Hiện 100% các thôn của xã có điện lưới đến trung tâm; nhiều tuyến đường liên thôn được bê- tông hóa.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thắng Mố Vàng Mí Dình, trên địa bàn xã mới chỉ có một số hộ nuôi từ 20 – 30 con dê, 5 – 6 con trâu, bò, hoặc trồng vài chục cây lê; còn lại rất hiếm các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2017 là 64%. Nguyên nhân khiến cấp ủy, chính quyền xã Thắng Mố khó vận động, hỗ trợ nhân dân triển khai các mô hình kinh tế lớn do đa phần người dân là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức còn thấp; số người đi làm thuê bên kia biên giới tương đối lớn, trung bình mỗi năm khoảng gần 1/3 số dân… nên phát triển kinh tế nội tại chưa được người dân quan tâm.
Vậy, giải pháp nào để dần thay đổi nhận thức của người dân, khuyến khích mở rộng quy mô chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Thắng Mố? Bài toán khó này, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trên địa bàn xã mới có thể giải được!
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc