Kết quả thực hiện Nghị quyết số 209 ở Vị Xuyên
BHG - Trong thời gian qua, Thường trực UBND huyện Vị Xuyên đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo các ngành chuyên môn, các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định và giải ngân vốn vay theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh; trực tiếp đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả, đúng mục đích.
Người dân xã Trung Thành phát triển đàn bò hàng hóa từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 209. |
Tính đến thời điểm này, toàn huyện có tổng số hồ sơ đã đăng ký vay vốn là 1.423 hồ sơ/140.796 triệu đồng. Có 1.297 hồ sơ đã thẩm định, đạt 91%. Số hồ sơ đủ điều kiện vay là 688/73.360 triệu đồng, số hồ sơ không đủ điều kiện vay là 609. Đã giải ngân được 645 hồ sơ, với số tiền 63.871 triệu đồng. Bên cạnh đó huyện cũng hỗ trợ lãi suất cho 2 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT Vị Xuyên và Chi nhánh Bắc Vị Xuyên) với tổng số tiền 6.477 triệu đồng. Trong đó: Năm 2016 hỗ trợ lãi suất 732,2 triệu đồng; năm 2017 3.132,1 triệu đồng; quý I năm 2018 1.254 triệu đồng và quý II năm 2018 là 1.358,7 triệu đồng.
Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết số 209 ở Vị Xuyên đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân đối với chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đồng vốn vay đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển nông nghiệp hàng hóa và mang lại thu nhập ổn định cho người dân... Công tác thẩm định, giải ngân nguồn vốn vay được thực hiện kịp thời; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị quyết cũng có những phát sinh vướng mắc như: Hồ sơ pháp lý của người dân còn chưa khớp nhau giữa các loại giấy tờ (Chứng minh thư, Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…). Hồ sơ pháp lý yêu cầu có Chứng minh thư của tất cả các thành viên trong gia đình. Điều này, gây khó khăn cho nhiều hộ vay, do gia đình có người đi làm, đi học xa… Việc xác định giá trị tài sản đất còn dựa vào quyết định xác định giá đất của UBND tỉnh, nên giá trị tài sản thế chấp thấp dẫn đến việc người dân khó tiếp cận vốn vay. Mức vốn vay đối với trồng trọt thấp, thời gian hỗ trợ lãi suất ngắn, gây khó khăn cho người vay. Đơn cử như vay vốn trồng cam, theo nghị quyết, mức vốn vay tối đa là 80 triệu đồng/ha, tuy nhiên thực tế để đầu tư chăm sóc 1ha cam cần số vốn lớn hơn (từ 400-500 triệu đồng/ha), thời gian để thu hồi vốn và kinh doanh có lãi cũng dài hơn thời gian quy định hỗ trợ lãi suất trong nghị quyết. Đối với nguồn vay vốn xây dựng chuồng trại, thời gian hỗ trợ lãi suất ngắn nên gây khó khăn cho người dân vì kinh doanh chưa thu hồi được vốn...
Để giải quyết những vướng mắc trên, UBND huyện Vị Xuyên đã có một số đề xuất với tỉnh như: Đối với vốn vay đầu tư chuồng trại, trang thiết bị cơ giới hóa, thời gian hỗ trợ lãi suất tối thiểu là 5 năm (để kinh doanh có lãi). Không xác định giá trị tài sản đất theo quyết định của UBND tỉnh. Không nên yêu cầu phải có Chứng minh thư của tất cả các thành viên gia đình trong hồ sơ pháp lý. Sớm có Bảo hiểm Nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro trong quá trình vay vốn. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chuyên môn cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định, giải ngân vốn vay kịp thời để phù hợp với thời vụ chăn nuôi, trồng trọt của người dân…
Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện nghị quyết từ huyện đến cơ sở và toàn thể nhân dân cùng các tổ chức, cá nhân, HTX, doanh nghiệp chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện; đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân ở cơ sở, thẩm định các hồ sơ đăng ký vay vốn và giải ngân kịp thời nguồn vốn đối với các đối tượng đủ điều kiện vay vốn. Chỉ đạo ngân hàng và các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích…
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc