Bắc Mê với chương trình xây dựng xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế
BHG - Xây dựng mỗi xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế (PTKT) là cách làm hiệu quả mà huyện Bắc Mê đang nỗ lực thực hiện. Cách làm này, giúp huy động được nhiều nguồn lực trong dân và nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong PTKT; góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
Nhiều hộ dân ở Bắc Mê đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá giả nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò. |
Nhằm tìm ra các giải pháp thực hiện sản xuất có hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm, tăng hệ số sử dụng đất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân,… Minh Ngọc là xã đầu tiên đăng ký và được huyện lựa chọn trong kế hoạch xây dựng xã điển hình về PTKT nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, xã đã tập trung quy hoạch phát triển vùng sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, có tiềm năng thế mạnh và phù hợp với quy hoạch phát triển dân cư của xã. Qua triển khai, nhiều mô hình PTKT theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả cao và loại hình phong phú, đa dạng. Hiện, toàn xã có 493/884 hộ khá, giàu, đạt 56%. Bên cạnh đó, xã lựa chọn 5/11 thôn để đăng ký xây dựng thôn điểm về PTKT. Thôn Nà Cau được chọn làm điểm, bởi có nhiều mô hình chăn nuôi gà thương phẩm; điển hình là hộ ông Trương Văn Cường và hộ ông Nông Văn Môn cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/năm…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bình Giang, Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc cho biết: Xã đã có kế hoạch cụ thể về xây dựng xã, thôn điển hình về PTKT. Đồng thời, chỉ đạo các thôn làm điểm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện những nhiệm vụ của thôn; phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ các hộ được tiếp cận với các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là tiếp cận với các nguồn vốn. Ngoài ra, xã cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cung ứng giống, phân bón theo hình thức trả chậm; sử dụng triệt để, hiệu quả diện tích đất trồng cây hàng năm, triển khai có hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa và áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đặc biệt xã đã chủ động gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, HTX để tìm hướng đầu tư cho cây nghệ. Qua đó, tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đề án phát triển mô hình xã điểm về PTKT nông nghiệp được thực hiện từ năm 2017, cùng với các cơ chế, chính sách chung của tỉnh, huyện Bắc Mê luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, chính sách về đất đai cho các tổ chức, doanh nghiệp, HTX có nhu cầu đầu tư sản xuất. Qua thực hiện đề án, nhận thức của người dân đã dần nâng cao trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất, phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần giảm nghèo bền vững và làm giàu từ nông nghiệp. Các loại cây trồng chính, chủ lực đã được triển khai tại các xã, thôn; nên chất lượng, giá trị sản phẩm được nâng cao và thu hút được nhiều người dân tham gia sản xuất.
Theo đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê: Thực hiện Đề án xã, thôn điển hình về PTKT; huyện đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn đến năm 2020, với chỉ tiêu tỉnh giao là 6 xã và 43 thôn. Đến nay, huyện đã tập trung chỉ đạo mỗi xã, thị trấn phải đăng ký xây dựng ít nhất một thôn điển hình về PTKT nhằm mục đích nhân rộng trong toàn huyện. Năm 2018, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện 22 thôn và 2 xã đăng ký xây dựng điểm về PTKT nông nghiệp. Ngoài các cơ chế của tỉnh, huyện cũng đã ban hành cơ chế riêng như: Chương trình đầu tư có thu hồi, sử dụng các nguồn kinh tế nông nghiệp hỗ trợ hợp lý để kế hoạch xây dựng xã, thôn điển hình về PTKT nông nghiệp đạt hiệu quả cao trong thời gian tiếp theo.
Với hiệu quả bước đầu về xã, thôn điển hình về PTKT nông nghiệp sẽ là giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững trong giai đoạn 2017-2020.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc