Thượng Tân - "ốc đảo" miền non cao - Kỳ 1: Từ miền non cao đến vùng sông nước
BHG - Nằm trên vùng lòng hồ Thủy điện tuyên quang, mênh mang nước bao phủ, Thượng Tân vốn là một xã vùng cao của huyện Bắc Mê nay đã trở thành… “ốc đảo”. Cuộc sống trên “ốc đảo” rất yên bình, thiên nhiên và con người hòa quyện, không bị tác động bởi tiếng ồn của những động cơ lớn. Phương tiện giao thông phổ biến nơi đây là xe máy và những chiếc thuyền nhỏ... Sự thay đổi xuất hiện từ khi dòng Gâm được ngăn đập, tạo thành vùng lòng hồ rộng lớn đã mang lại cho người dân nơi đây nhiều cảm giác lạ và đầy thú vị.
Mẻ lưới đầy cá luôn mang lại cuộc sống ấm no cho người dân vùng sông nước. |
Trước năm 2005, xã Thượng Tân phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng lúa nước. Ông Hoàng Trọng Vinh, thôn Tà Luồng tâm sự: “Ngày còn ở bên kia lòng hồ, ruộng đồng nhiều, nhưng khi ấy không đủ nước sản xuất và sinh hoạt, bà con chưa có kỹ năng làm nông nghiệp nên vẫn thiếu ăn. Ngày xưa ấy, dòng sông Gâm nước rất dữ, chảy xiết và nhiều đá ngầm, không mấy ai dám ra sông bắt con tôm, con cá. Nhưng từ năm 2004, khi Nhà nước triển khai chương trình di dời dân sống xung quanh dòng sông Gâm để xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, hơn một nửa số dân của xã Thượng Tân phải chuyển sang bên sông... Và cuộc sống sông nước, trên “ốc đảo” cũng bắt đầu với chúng tôi từ đó”.
Rất nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đến vùng đất mới. Bác Nông Xuân Phúc, Trưởng thôn Khuổi Nấng cho biết: “Đó là khoảng thời gian bắt đầu từ việc đi tìm đất, dựng nhà, san đất… mọi thứ thật là khó khăn, bởi bên này là vùng đất hoang, nhìn đâu cũng chỉ thấy cây và núi. Nhưng, trong cái rủi có cái may, nếu bên kia thiếu nước thì nơi đây có dòng nước mát chảy quanh năm. Vì vậy, bên cạnh việc chăn nuôi, trồng trọt, nhiều hộ dân còn chèo thuyền trên lòng hồ bắt tôm, cá, cuộc sống dần ổn định. Như kiến xây tổ, hàng chục hộ dân từ bên bờ bên kia sông Gâm chuyển sang đã dựng lên những ngôi nhà mới, phát nương rẫy, đào ao, trồng cây... tạo nên sự khang trang, trù phú của thôn Khuổi Nấng”.
Những chiếc thuyền chờ thu mua tôm, cá tại bến Thượng Tân. Ảnh: HOÀNG YẾN |
Vùng đất mới tuy còn khó khăn, nhưng cũng đã tạo nên sức hút đối với một số hộ dân sống ở những vùng lân cận. Bác La Văn Ngâm, thôn Tà Luồng, người từng sống ở xã Minh Ngọc (Bắc Mê) tâm sự: “Trước đây, khi còn ở Minh Ngọc, gia đình tôi chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng sau khi sang thăm người thân bên Thượng Tân, tôi đã quyết định mua chiếc thuyền, làm ngôi nhà nổi trên lòng hồ. Cuộc sống tại đây nhẹ nhàng hơn nhiều, ngày ngày cùng chiếc thuyền xuôi theo con nước; chiều hôm trước thả lưới, sáng hôm sau đi kéo lưới, ngày cũng kiếm được 200 – 300 nghìn đồng. Hôm nào may mắn, ông Trời thương, bắt được cá to 7 – 10 kg, thậm chí có lần “cụ” cá to 20 – 30 kg vướng lưới, bán được 3 – 4 triệu đồng. Cùng với đó, bà nhà tôi nuôi thêm đôi chục con gà, 2 con bò trên bờ, vậy là đủ cho cuộc sống của hai vợ chồng già...”
Trải nghiệm sự mới lạ, được cho là hiếm có trên mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc, đó là cảm giác thong dong khi cùng chiếc thuyền nhỏ xuôi theo dòng nước; từng con sóng nhỏ vỗ nhẹ vào mạn thuyền, sóng sánh những ánh bạc và long lanh mặt trời phản chiếu trên mặt nước mênh mang. Thích thú nhất những lúc kéo mẻ lưới đầy cá, tôm và nghe những bác “ngư dân” kể về lần bắt được con cá “khủng” và học được cách thả lưới như: Bắt tôm phải thả lưới bát quái; thả lưới trăng là những tay lưới dài hàng mét với tua tủa mắt câu sắc nhọn để bắt những chú cá to và thả lưới dù bắt những chú cá nhỏ... Điều đặc biệt, vùng lòng hồ còn là cuộc sống bồng bềnh trên những ngôi nhà nổi, tại đây ta có thể vừa nhâm nhi chén nước chè vừa nghe những đàn cá dưới lồng thì thầm, vẫy đuôi gọi người chủ cho ăn.
Cuộc sống nơi vùng sông nước Thượng Tân là sự biệt lập, đây là địa phương duy nhất trong tỉnh muốn đến trung tâm xã phải đi bằng… thuyền. Điều đó gây ra không ít khó khăn, thiệt thòi cho cán bộ và nhân dân. Một ngày chỉ có 2 chuyến đò chở cán bộ, người dân, học sinh đi lại trong mùa nước dâng từ tháng 5 – 10. Còn mùa nước cạn, sang bên kia sông là cả những khó khăn, thử thách. Nước cạn, thuyền to khó đi, phải chuyển sang thuyền nhỏ, mà phải đợi cả nửa ngày mới có, nói là đi thuyền nhưng nhiều khi có những vũng bùn nước, khách phải dời thuyền lội qua, có khi ngập đến cả nửa người.
Sự biệt lập của vùng đất Thượng Tân khiến sinh hoạt, giao thương, giao lưu, trao đổi của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Tuy giáp với các xã Lạc Nông, Yên Cường, Minh Ngọc (Bắc Mê) và huyện Lâm Bình (Tuyên Quang)... nhưng bị ngăn cách bởi rừng rậm và hồ sâu nên giao thương giữa Thượng Tân với các địa phương bên ngoài còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, người dân nơi đây luôn chủ động “tự cấp, tự túc”, nhà nào cũng trồng cây ăn quả như: Xoài, Nho, trồng rau, nuôi gà, vịt... Thậm chí, có thầy giáo dạy học ở đây còn mang giống gà Đông tảo từ quê nhà Hưng Yên lên nuôi. Diện tích đất ít, đa phần những hộ dân sống tại trung tâm xã đều tận dụng từng mét đất để canh tác và làm nhà. Xã có chợ nông thôn, nhưng hàng hóa chưa phong phú và giá bán cũng cao hơn nhiều nơi khác do chi phí vận chuyển lớn.
Gần 15 năm định cư trên vùng đất mới, dấu tích nơi ở cũ đã bị dòng nước xóa mờ nhưng trong khóe mắt người dân vẫn hoài niệm về nơi “chôn nhau, cắt rốn” với ăm ắp kỷ niệm.
Kỳ cuối: Thượng Tân hôm nay
Ký sự: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc