Phát triển kinh tế từ trồng dâu Tây
BHG - Từ sự đam mê với các loại cây ăn quả và đặc biệt là với cây dâu Tây, anh Nguyễn Tiến Dũng, trú tại thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) đã đi nhiều nơi tìm hiểu về đặc tính của cây và đem về vùng đất Cao nguyên đá Đồng Văn trồng thử, bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Vườn dâu Tây của gia đình anh Dũng |
Cây dâu Tây đến với anh Dũng cũng là một cái duyên, do anh thường xuyên đi du lịch ở nhiều nơi, thấy được nhiều loại cây ăn quả… Với sự đam mê của mình, anh đã tìm hiểu và chọn trồng loại cây ít người trồng ở trên vùng đất cao nguyên này. Anh Dũng trồng dâu Tây từ năm 2015; khi mới bắt đầu, anh chỉ trồng thử vài chục chậu. Sau khi nhận thấy cây dâu Tây phù hợp với khí hậu ở nơi đây, nên anh đã mạnh dạn trồng thêm. Hiện, vườn dâu Tây nhà anh có khoảng 2.000 chậu. Anh cho biết: Dâu Tây là giống không khó trồng, nhưng phải hiểu được đặc tính và biết cách chăm sóc sẽ mang lại năng suất cao. Sau khi trồng khoảng 2 tháng, cây bắt đầu ra lứa quả đầu tiên và sẽ được ngắt bỏ. Sang tháng thứ 3, khi cây cho lứa quả thứ hai thì mới thu hoạch, và cứ 2 - 3 ngày hái 1 lần. Mỗi lần thu hoạch, vườn dâu nhà anh cho thu từ 7 – 8 kg, với giá bán 200 nghìn đồng/kg; anh Dũng chủ yếu bán cho du khách để làm quà, vì là loại quả sạch, nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Vườn dâu Tây nhà anh Dũng có tất cả 5 loại giống, gồm: Dâu Nhật, Hàn, Mỹ, Pháp và Niu Di Lân; mỗi giống đều có những ưu điểm riêng. Đối với giống dâu Mỹ, quả to nhưng lại không thơm bằng các giống khác, giống dâu Niu Di Lân quả nhỏ nhưng mùi lại rất thơm. Mỗi loại giống dâu, anh Dũng đều tìm hiểu rất kỹ và học hỏi ở rất nhiều nơi để chăm sóc và mang lại năng suất, hiệu quả cao nhất. Anh chia sẻ thêm: Đối với trồng cây dâu Tây thì ủ đất là khâu quan trọng nhất. Phải có tro, phân lân, phân chuồng ủ rồi trộn chung với đất, sẽ giúp cây phát triển tốt hơn. Trước đây khi mới trồng vì chưa có kinh nghiệm nên cây bị chết rất nhiều, anh đã đi tìm hiểu ở nhiều nơi trồng dâu Tây và đúc kết được kinh nghiệm, biết được đặc tính. Ngoài bán quả dâu Tây ra thì anh còn bán thêm cây giống. Với giá bán từ 20 – 25 nghìn đồng 1 bầu. Anh cũng tận dụng những quả dâu nhỏ hái về làm siro vừa phục vụ gia đình, vừa bán.
Từ việc trồng dâu Tây, anh Dũng đã giúp nhiều hộ dân trong huyện đến học hỏi kinh nghiệm cũng như mạnh dạn hơn trong việc dám nghĩ, dám làm để tăng thu nhập cho cuộc sống.
Bài, ảnh: Hoàng Sim (Sinh viên thực tập)
Ý kiến bạn đọc