Nuôi trâu, bò vỗ béo ở thôn Na Van
BHG - Những năm gần đây xã Tả Nhìu (Xín Mần) đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tăng trưởng đàn gia súc của địa phương. Với sự hỗ trợ của Nghị quyết số 209 HĐND tỉnh, Chương trình Gảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa… đàn đại gia súc của xã đã tăng lên rõ rệt với 1.168 con trâu và 551 con bò. Đặc biệt, việc hình thành các Nhóm cùng sở thích (CIG) nuôi trâu, bò hàng hóa tại các thôn trên địa bàn đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Bà con thôn Na Van đưa trâu đi tiêm phòng dịch lở mồm, long móng. |
Nhóm CIG nuôi trâu thôn Na Van có 10 thành viên hiện đang hoạt động rất hiệu quả. Hiện, nhóm có tổng 41 con trâu, bò sinh sản, nhiều thành viên trong nhóm mua trâu về vỗ béo rồi bán ra thị trường nên số lượng đàn trâu thường biến động.
Anh Cháng Văn Long, thành viên Nhóm CIG cho biết, nuôi trâu vỗ béo đem lại thu nhập nhanh hơn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ ngày tham gia Nhóm CIG nuôi trâu của thôn, anh đã mua, bán và trao đổi nhiều trâu, bò trên khắp địa bàn huyện Xín Mần. Xã Tả Nhìu cách trung tâm thị trấn Cốc Pài không xa nên vào ngày họp chợ và chợ phiên gia súc, các thành viên trong nhóm đều đưa trâu, bò ra bán. Dần dần các thương lái trong vùng tìm đến anh và các thành viên trong nhóm để trao đổi, mua bán gia súc. Trung bình, trâu, bò vỗ béo từ 3 – 6 tháng có thể xuất chuồng và các thành viên trong nhóm thu lãi từ 3 – 5 triệu đồng/con.
Trưởng Nhóm CIG nuôi trâu, bò hàng hóa thôn Na Van Cháng Văn An cho biết, từ ngày vào nhóm anh luôn tích cực mở rộng diện tích trồng cỏ, mua máy cắt cỏ phục vụ nuôi trâu vỗ béo với số lượng từ 8-10 con. Theo anh An, nuôi trâu vỗ béo khá đơn giản, phù hợp với tập quán của bà con trong xã; có thể nuôi nhốt hoặc chăn thả, quan trọng là đủ cỏ cho trâu, bò ăn và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, sắn, như vậy trâu, bò tăng trọng lượng nhanh, sớm xuất chuồng, đem lại thu nhập cao.
Nhận thấy nuôi trâu, bò hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, chính quyền xã Tả Nhìu thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc đàn gia súc, trồng cỏ và tránh rét cho trâu, bò. Cán bộ xã cũng thường xuyên đôn đốc bà con vệ sinh chuồng trại, đảm bảo hợp vệ sinh, tiêm phòng các bệnh dịch cho đàn gia súc. Bên cạnh đó, địa phương đang xây dựng kế hoạch sản xuất thịt trâu gác bếp trở thành sản phẩm đặc trưng của xã. Như vậy, sẽ tạo thêm kênh tiêu thụ sản phẩm cho bà con và các Nhóm CIG nuôi trâu, bò, tạo động lực giúp bà con đẩy mạnh tăng gia sản xuất.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc