Nhóm tiết kiệm tín dụng - cơ hội thoát nghèo của phụ nữ Tân Nam
BHG - Trong 3 năm trở lại đây, khi chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) trực tiếp thông qua hoạt động Nhóm tiết kiệm tín dụng (TKTD) “Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Hà Giang”, nhiều phụ nữ nghèo ở xã Tân Nam, huyện Quang Bình đã biết cách tiết kiệm, quản lý nguồn vốn để phát triển sản xuất, cùng nhau giảm nghèo bền vững. Tân Nam được đánh giá là một trong 5 xã thực hiện và phát huy khá hiệu quả của Nhóm TKTD.
Hội viên phụ nữ trong xã tham quan mô hình nuôi lợn đen của chị Hoàng Thị Xoan, Nhóm TKTD thôn Nà Chõ, xã Tân Nam. |
Nếu như trước đây, cuộc sống gia đình chị Hoàng Thị Xoan, thôn Nà Chõ chỉ đơn thuần dựa vào cây lúa, cây ngô mà chưa có khái niệm thế nào là sản xuất hàng hóa… thì nay, chị Xoan cũng như bao chị em phụ nữ khác đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Năm 2016, sau khi được vay vốn lần 1 với số tiền 4 triệu đồng từ Nhóm TKTD, chị Xoan mua 10 con lợn đen về nuôi, theo hình thức nuôi lợn thương phẩm và sinh sản. Có vật nuôi, chị chăm chỉ làm ăn, học tập kiến thức phòng, chống dịch bệnh cũng như kinh nghiệm chăm sóc đàn lợn khỏe mạnh. Khi lứa lợn đầu tiên được xuất bán, gia đình chị dùng toàn bộ số tiền bán lợn tiếp tục đầu tư và tăng đàn. Nhận thấy nuôi lợn có hiệu quả, vừa qua, chị Xoan đăng ký vay vốn lần 2 thêm 10 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Còn Nhóm TKTD thôn Nặm Hán được thành lập từ tháng 8.2016 với 17 thành viên. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, cộng nguồn lực sẵn có của gia đình, các thành viên chủ yếu lựa chọn mua lợn đen bản địa về nuôi sinh sản; vì loại gia súc này có giá thành cao hơn, được thị trường ưa chuộng và dễ tiêu thụ. Các thành viên đều cho rằng, Nhóm TKTD rất thiết thực, làm chuyển biến cách thức chăn nuôi từ khâu phục vụ gia đình sang hàng hóa. Mặc dù đã vay vốn từ ngân hàng khác, nhưng chị em vẫn được tiếp cận, sử dụng đồng vốn trên; tuy nhiên, định mức cho vay còn thấp, thời hạn hoàn vốn ngắn và lãi suất còn cao. Trong nhóm, chỉ còn 2 thành viên vay vốn với tổng số tiền 9 triệu đồng.
Từ năm 2016 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nam đã thành lập được 10 Nhóm TKTD, với sự tham gia của 105 thành viên là hội viên phụ nữ 7/12 thôn, bản gồm: Nà Đát, Nặm Hán, Nà Chõ, Nà Mèo... Một thành viên được vay vốn cao nhất 10 triệu đồng/1 chu kỳ với lãi suất 0,8%/tháng. Chu kỳ 1, sau 18 tháng phải hoàn trả vốn; chu kỳ 2, sau 24 tháng phải hoàn trả vốn. Trung bình tháng, mỗi nhóm tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần để đóng tiền tiết kiệm và nộp lãi. Tính đến nay, đã có 18 thành viên được tiếp cận nguồn vốn, với tổng số 129 triệu đồng. Các hộ tập trung vào nuôi lợn và gia cầm. Qua kiểm tra, hầu hết chị em đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích; ngoài ra, mỗi tháng, chị em trong nhóm đóng góp 20.000 đồng/người để gây quỹ. Những “hiệu ứng” tích cực từ Nhóm TKTD đã mang đến nguồn lực mạnh mẽ trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương.
Chị Triệu Mùi Ghến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nam cho biết: “Đa số chị em thuộc diện hộ nghèo, nên để thực hiện có hiệu quả hoạt động của các Nhóm TKTD, mọi vấn đề phải được bàn kỹ lưỡng, từ đó thống nhất nội dung mới triển khai. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho phụ nữ. Vui nhất, hiện các thành viên đã tiết kiệm được trên 28 triệu đồng; số tiền tuy ít, nhưng chị em đã biết chắt chiu, dành dụm từ những điều nhỏ để vươn lên xây dựng cuộc sống no đủ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động các nhóm và tập trung vào những mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao, đặc biệt là nuôi lợn đen. Qua đó, góp phần chung vào sự phát triển KT-XH cũng như trong xây dựng Nông thôn mới ở điạ phương.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc