Lù Ngọc Ngương tiên phong trồng rau trong nhà lưới
BHG - Trồng rau trong nhà lưới là một trong những kỹ thuật tiên tiến được nhiều người dân miền xuôi ứng dụng nhằm chống sâu bệnh, hạt cỏ cũng như che nắng, giữ độ ẩm, đảm bảo nhiệt độ cũng như môi trường để rau sạch phát triển. Ở huyện huyện Hoàng Su Phì cũng đã xuất hiện mô hình đầu tiên làm nhà lưới trồng rau an toàn cung cấp cho người dân trên địa bàn của anh Lù Ngọc Ngương (sinh 1983), dân tộc Tày ở thôn Cóc Sọc, xã Sán Sả Hồ.
Anh Ngương tâm sự: “Ở Hoàng Su Phì, để làm được nhà lưới là điều không đơn giản, vì địa hình đồi núi dốc, mặt bằng hạn chế; việc triển khai theo quy mô lớn rất khó khăn, giờ mới là bước đầu, mình thử làm nhà lưới trên 3 thửa ruộng bậc thang, với tổng diện tích khoảng 1.000 m2. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên chỉ trồng hơn 10 loại rau như: Cải ngọt, bắp cải, su hào, cà chua…, vừa khảo nghiệm cũng như nghiên cứu sự phù hợp của từng loại cây và nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất. Hiệu quả bước đầu cho thấy, lợi ích nhà lưới mang lại chính là việc tận dụng được đất ruộng một vụ và trồng rau trong nhà lưới thấy hiệu quả nhiều hơn; giảm công lao động, dịch bệnh giảm, lượng phân bón cũng giảm theo...”.
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của anh Lù Ngọc Ngương, thôn Cóc Sọc, xã Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì). Ảnh: PHI ANH |
Qua tìm hiểu được biết, gia đình anh Ngương đã có ý tưởng làm nhà lưới để trồng rau sạch từ rất lâu, nhưng vì kinh phí khá lớn, hơn 20 triệu đồng và kinh nghiệm chưa có nên anh chưa dám làm. Sau khi tính toán kỹ, nhà chỉ có 3 thửa ruộng, mỗi năm cấy được một vụ lúa, còn lại để cho cỏ mọc, mỗi năm gia đình anh cũng chỉ thu được khoảng 1 tấn thóc, trừ chi phí, lãi khoảng 2 triệu đồng. Từ thực tế đó, anh Ngương quyết tâm đầu tư làm nhà lưới để trồng rau và đến nay đã bán được 3 lứa rau cải ngọt trái vụ và thu được khoảng 2 triệu đồng...
Dù mới bước vào sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, anh Ngương đã gặp nhiều thuận lợi, thị thường tiêu thụ ổn định, sản phẩm thu hoạch đến đâu đem ra chợ huyện là bán hết đến đó. Tuy thu nhập chưa cao và sản phẩm rau xanh chưa phong phú về chủng loại, nhưng đây cũng là hướng đi mới trong chuyển đổi sản xuất cũng như đem lại hiệu qủa cho người nông dân. Thấy được điều đó, cấp ủy, chính quyền xã Sán Sả Hồ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để anh Ngương tiếp tục thực hiện ý tưởng; đồng thời vận động nhân dân trong xã đến tham quan, học tập.
Ông Vương Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Sán Sả Hồ cho biết: “Với hiệu quả bước đầu của mô hình và thấy anh Ngương quyết tâm trong trong chuyển đổi sản xuất, nên xã đã cử Đoàn Thanh niên và cán bộ nông nghiệp xuống giúp gia đình anh Ngương làm nhà lưới và hướng dẫn kỹ thuật để anh có thêm điều kiện thực hiện. Chưa nói đến hiệu quả của mô hình, nhưng người nông dân dám nghĩ, dám làm những cái mới và tiên phong đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất như anh Ngương, là rất trân trọng và đáng được nhiều người ủng hộ và làm theo…”.
Qua mô hình trồng rau nhà lưới trên địa bàn Sán Sả Hồ, có thể thấy, ngoài việc tăng thêm thu nhập, mô hình còn tạo việc làm cho lao động ở địa phương lúc nông nhàn và hình thành phương thức sản xuất mới - trồng rau an toàn trên những thửa ruộng một vụ, cung cấp rau quanh năm cho thị trường, chống thiếu rau trong mùa khô. Từ mô hình trồng rau trong nhà lưới của anh Ngương, mong rằng, các cấp, ngành chức năng của huyện Hoàng Su Phì trong thời gian tới tiếp tục đưa kiến thức, khoa học kỹ thuật giúp nông dân triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGap…, chắc chắn nhiều mô hình mới sẽ tạo được bước đột phá trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hiệu quả hơn; góp phần từng bước nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc