Khu BTTN Phong Quang triển khai Phương án thực hiện mô hình thí điểm giao khoán đồng thời gắn biển cây gỗ Nghiến
BHG - Ngày 6.7, tại xã Minh Tân (Vị Xuyên), Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Phương án thực hiện mô hình thí điểm giao khoán đồng thời gắn biển cây gỗ Nghiến để quản lý bảo vệ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Quang. Dự Hội nghị có lãnh đạo huyện Vị Xuyên; đại diện các xã, phường, thôn, bản và các ngành chức năng liên quan.
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào Phương án tại Hội nghị. |
Khu BTTN Phong Quang nằm trên ranh giới hành chính của 4 xã: Minh Tân, Phong Quang, Thanh Thủy, Thuận Hòa (Vị Xuyên) và một phần nhỏ của phường Quang Trung (TP Hà Giang), có tổng diện tích hơn 8.500 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên có loài cây gỗ Nghiến là hơn 5.100 ha. Trong những năm gần đây, do lợi nhuận cao từ buôn bán gỗ, nên tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Khu rừng đặc dụng Phong Quang đang có chiều hướng diễn biến phức tạp làm chất lượng rừng tự nhiên ngày càng giảm. Để quản lý, bảo vệ tốt rừng gỗ quý hiếm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm giao khoán đồng thời gắn biển cây gỗ Nghiến lớn, trước mắt được làm điểm tại các thôn: Phìn Sảng, Hoàng Lỳ Pả, Tân Sơn, Thượng Lâm (xã Minh Tân). Theo Phương án, Hạt Kiểm lâm sẽ phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang thực hiện điều tra, xác minh hiện trạng, vị trí từng cây gỗ Nghiến; lập hồ sơ quản lý từng cây theo số thứ tự, địa danh và tọa độ GPS; tiến hành gắn biển số cây gỗ Nghiến theo thứ tự của từng thôn, hộ nhận khoán. Qua đó, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước; vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng thôn, bản và hộ dân trong quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền xã, thôn, các ngành chức năng liên quan, gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 58% vào năm 2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đã nhất trí, đồng tình với nội dung phương án, nhiều đại biểu cũng đề nghị: Cần xây dựng kế hoạch chi tiết, thành lập các tổ đi rà soát và phân chia từng nhóm hộ, khu vực tiến hành thực hiện, làm cơ sở giao khoán. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương và từng hộ dân. Nghiên cứu tình hình đặc điểm, đặc thù của từng thôn, bản; đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân trong vùng rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ tại địa bàn, lấy cộng đồng thôn, bản và các hộ dân là người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng gỗ Nghiến...
Kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Đông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và tổng hợp, bổ sung vào Phương án để tiến hành thực hiện trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc