Kết quả nổi bật trong thực hiện "Hai khâu đột phá" và "Bốn chương trình trọng tâm" của Đảng bộ thành phố Hà Giang

08:45, 13/07/2018

BHG – Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020; mặc dù gặp nhiều khó khăn, song do tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời bằng các giải pháp hữu hiệu, trong đó bám sát mục tiêu “Hai khâu đột phá, Bốn chương trình trọng tâm”, cơ cấu kinh tế của địa phương từng bước chuyển dịch đúng hướng, phát triển khá toàn diện.

Từ “Hai khâu đột phá”…

Đột phá về tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thành phố đã kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho 250 người tham gia; tổ chức được 1.202 buổi tuyên truyền 38 loại văn bản, thu hút 87.538 lượt người tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở được 2.145 lần. Các nội dung văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chuyển tải kịp thời đến người dân.

Thành phố Hà Giang ngày càng đổi mới, khang trang, sạch đẹp!
Thành phố Hà Giang ngày càng đổi mới, khang trang, sạch đẹp!

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm làm mục tiêu phấn đấu và là thước đo đánh giá cán bộ”, cải cách TTHC, xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả - khâu đột phá được Đảng bộ thành phố đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện. UBND thành phố tiến hành rà soát các vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của từng cơ quan, đơn vị và ban hành 9/13 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức lại các cơ quan chuyên môn. Công tác quản lý và sử dụng biên chế cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Dự kiến đến năm 2018, thành phố sẽ tinh giản 10% biên chế so năm 2015.

Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng thành phố, UBND thành phố Hà Giang đã xây dựng Đề án và thành lập Trung tâm giải quyết TTHC công liên thông tới các phường, xã; sau khi đưa Trung tâm vào hoạt động, công tác cải cách TTHC có chuyển biến rõ rệt. Đến nay, 100% TTHC được công khai, minh bạch tại Trung tâm Giải quyết TTHC công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, phường, trên Trang thông tin điện tử của thành phố. Trong đó, số TTHC công khai tại Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố là 323 TTHC/20 lĩnh vực; 206/323 TTHC thuộc 10 lĩnh vực được cắt giảm thời gian giải quyết so quy định; thời gian rút ngắn từ 6 – 30%, có TTHC rút ngắn 50% so thời gian giải quyết theo quy định. Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đối với 310/323 TTHC/16 lĩnh vực, chỉ còn 13 TTHC thuộc lĩnh vực Thanh tra, Y tế, Tiếp công dân, Thuế theo quy định chuyên ngành không tiếp nhận qua Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố. Trong đó, có 17 TTHC thuộc 2 lĩnh vực được triển khai thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” cấp 3. Thành phố Hà Giang phấn đấu đến năm 2020, 100% các TTHC được niêm yết công khai, minh bạch tại Trung tâm Giải quyết TTHC công. Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, phường thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo quy định đối với TTHC không cần thiết, không phù hợp, nhằm cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính của cá nhân, tổ chức khi thực hiện giao dịch hành chính.

…đến “Bốn chương trình trọng tâm”:

Triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ và hạ tầng du lịch, thành phố đã lập đề xuất 5 dự án thu hút đầu tư trình UBND tỉnh để ký cam kết với các doanh nghiệp tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh tháng 11.2017; đầu tư cải tạo nâng cấp chợ trung tâm, chợ xép; xây dựng mới chợ phiên các xã; đến nay các chợ hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của nhân dân; đồng thời xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, từng bước xây dựng hệ thống thương mại của thành phố đi vào nền nếp theo hướng văn minh và từng bước chuyển đổi mô hình quản lý các chợ. Hiện trên địa bàn thành phố có 4.622 cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ, tăng 1.228 cơ sở so năm 2015; trong đó có 594 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 88 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách; 45 cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng; đã có 2 Công ty lữ hành quốc tế, 4 Công ty lữ hành kinh doanh nội địa và 2 Văn phòng đại diện của Công ty du lịch trong nước hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2017 đạt 3.353,7 tỷ đồng, ước đạt 81,11% nghị quyết.

Người dân đến giải quyết công việc tại Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố. 						Ảnh: VĂN NGHỊ
Người dân đến giải quyết công việc tại Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố. Ảnh: VĂN NGHỊ

Về phát triển phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị - hạ tầng xã hội, thành phố đã đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông quy mô lớn, hiện đại, kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ, mở rộng không gian đô thị; hệ thống giao thông nội thị được đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Đến nay, đã có 267 km đường các loại và 10 cầu (>25m); trong đó có 147 km đường đô thị. Nhiều công trình trọng điểm về giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng, như cầu Yên Biên mới, đường đôi Cầu Mè – Công viên nước Hà Phương, đường Hà Giang đi Phong Quang; Bến xe khách; hệ thống camera xử lý giao thông trên các tuyến đường đô thị… góp phần thay đổi diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại tạo động lực phát triển, điểm nhấn kiến trúc. Hiện thành phố đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư công trình giao thông lớn trong dự án Chương trình phát triển Đô thị xanh; đường giao thông liên kết các vùng phát triển KT-XH phía Đông còn tỉnh giáp Cao Bằng… phấn đấu xây dựng thành phố Hà Giang hoàn thiện tiêu chí Đô thị loại III vào năm 2020.

Để phát triển vành đai thực phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, thành phố thực hiện quy hoạch 90 ha vùng sản xuất rau tập trung, đạt 95% nghị quyết, sản lượng 1.944 tấn, giá trị đạt 216 triệu đồng/ha; trong đó: Rau VietGAP 16,8 ha, đạt 74,3% chỉ tiêu nghị quyết, 100% hộ thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, tổ hợp tác, nhóm sở thích với quy mô lớn tạo thành vùng hàng hóa tập trung được thành phố chú trọng. Toàn thành phố hiện có 18 gia trại chăn nuôi lợn quy mô 50-100 con/lứa; 54 gia trại chăn nuôi gà quy mô dưới 1.000 con/lứa; tỷ lệ tăng đàn năm 2018 ước đạt 6,3%, sản lượng thịt lợn xuất chuồng ước đạt 1.534 tấn, đạt 153% nghị quyết. Tỷ lệ tăng đàn gia cầm, thủy cầm năm 2018 ước đạt 12%, sản lượng xuất chuồng ước 197 tấn, đạt 65,7% nghị quyết…

Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, thực hiện chương trình trọng tâm về xây dựng xã phát triển toàn diện, nâng cao tiêu chí nông thôn mới; thành phố đã thi công 17,8 km đường bê-tông, đạt 100% tỷ lệ trục đường xã. Nâng cấp, sửa chữa 3,65 km tuyến mương; làm mới 4,7 km mương bê-tông. Hoàn thành xây dựng đường điện cho 2 thôn Cao Bành và Gia Vài, xã Phương Thiện, dài 2,5km; lắp đặt đường điện sáng phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng tại thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện; thôn Bản Cưởm 2; thôn Bản Tuỳ, Sơn Hà, xã Ngọc Đường. Vận động nhân dân xóa trên 200 nhà cầu trên ao; xây dựng 36 lò, hố đốt rác tập trung. Cùng với đó, thành phố triển khai hỗ trợ đầu tư có thu hồi để tái đầu tư với số tiền cho vay 1.124 triệu đồng đối với 9 mô hình chăn nuôi lợn, gà, sản xuất rau, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến hết năm 2017, thu nhập trung bình của 3 xã đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so năm 2015… Đồng thời, thành phố đã xây dựng Ngọc Đường thành xã điển hình, kiểu mẫu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích cây hàng năm, khuyến khích phát triển các dịch vụ ẩm thực và du lịch cộng đồng; nâng cao chất lượng làng văn hóa du lịch cộng đồng…

Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân, Đảng bộ thành phố đã bám sát mục tiêu “Hai khâu đột phá, Bốn chương trình trọng tâm” để triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ những kết quả đó đã tạo tiền đề vững chắc, niềm tin rất lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020”.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chợ xã Phương Thiện phát huy hiệu quả

BHG - Những năm qua, việc phát huy hiệu quả chợ nông thôn là bài toán đối với các ngành chức năng và nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên ở ngay địa bàn thành phố Hà Giang, dù được đầu tư không nhiều, nhưng chợ xã Phương Thiện đã phát huy hiệu quả, không chỉ là nơi buôn bán thuận tiện mà còn là nơi giao lưu văn hóa của người dân trong khu vực.

12/07/2018
Xã Yên Phong phấn đấu đạt chuẩn trước một năm

BHG - Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại xã Yên Phong (Bắc Mê) trong những năm qua đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân; đặc biệt trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều bước tiến mới; cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng hàng hóa; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... 

12/07/2018
Bán cá koi kiếm hàng tỷ mỗi năm

Nếu bạn vẫn đang loay hoay tìm kiếm các sản phẩm để kinh doanh thì đừng nên bỏ qua mô hình bán cá Koi đang rất hot hiện nay. Với lợi nhuận trung bình từ 30-35% mỗi năm, đây hứa hẹn sẽ là một khoản đầu tư khôn ngoan trong hành trình khởi nghiệp.

 

12/07/2018
Xã Quyết Tiến tập trung về đích Nông thôn mới

BHG – Trong những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ đang ra sức thi đua để hoàn thiện các tiêu chí còn lại, kịp thời "cán đích" Nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.

 

12/07/2018