Đồng Tiến phát triển Nhóm cùng sở thích kinh tế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa

11:08, 20/07/2018

BHG - Đồng Tiến (Bắc Quang) nằm cách trung tâm huyện 42 km, có tổng số 468 hộ, gần 2.600 khẩu và 12 dân tộc cùng sinh sống. Bà con chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng vẫn trong tình trạng manh mún, quảng canh. Nhằm phá vỡ những rào cản đối với “tam nông”, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), từ năm 2015, xã đã thành lập 15 Nhóm cùng sở thích (CIG) kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đưa nông sản của địa phương đến với thị trường, nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân.

Các thành viên Nhóm CIG trồng cam Sành thôn Cổng Đá, xã Đồng Tiến kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển cây cam Sành.
Các thành viên Nhóm CIG trồng cam Sành thôn Cổng Đá, xã Đồng Tiến kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển cây cam Sành.

Dựa vào điều kiện tự nhiên và nền tảng sẵn có trong sản xuất nông, lâm nghiệp của xã, Chương trình CPRP đã hỗ trợ 110 triệu đồng/nhóm để thành lập các Nhóm CIG trên cơ sở tự nguyện, tập hợp những hộ có cùng chí hướng, chung mối quan tâm về phát triển kinh tế ở một lĩnh vực cụ thể. Các nhóm phải xây dựng quy chế hoạt động, mọi thành viên đều thực hiện vai trò, trách nhiệm nhất định. Khi tham gia Nhóm CIG, người dân có cơ hội tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, bày tỏ quan điểm, phát huy tinh thần sáng tạo trong làm kinh tế. Đồng thời, tạo sự thống nhất, bài bản, mang tính đồng bộ đối với khâu sản xuất, tạo tiền đề hình thành các mô hình kinh tế tập thể, có liên kết chặt chẽ giữa những người nông dân với nhau.

Tính đến nay, trên địa bàn xã có 17 Nhóm CIG với 178 thành viên, trong đó 12 nhóm được nhận vốn đồng tài trợ của Chương trình CPRP với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Các nhóm tập trung đầu tư chăn nuôi trâu, lợn, trồng cam Sành, trồng rừng ở 6 thôn, bản bao gồm: Cổng Đá, thôn Buột, thôn Cuôm, thôn Chàm, thôn Phiến và Pù Đồn. Qua kiểm tra, các nhóm sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, hiệu quả và có vốn quay vòng để mua cây, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Một số sản phẩm đã bán ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp các thành viên trang trải cuộc sống, có tiền tích cóp để tiếp tục tái đầu tư. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thay đổi tập quán chăn nuôi, canh tác truyền thống, tiếp cận nhanh hơn các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thôn Cổng Đá là vùng trồng cam Sành lâu đời và có diện tích lớn nhất xã Đồng Tiến. Trước kia, người dân trồng cam theo tư duy “mạnh ai nấy làm” không có sự trao đổi, liên kết trong quá trình trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Tháng 4.2017, Nhóm CIG trồng cam Sành của thôn ra đời, quy tụ 10 thành viên với 15 ha cam. Anh Lý Văn Đại, Trưởng Nhóm CIG trồng cam Sành cho biết: Theo quy trình, các thành viên cùng đóng góp 59 triệu đồng làm vốn đối ứng, số còn lại do Chương trình CPRP hỗ trợ. Để duy trì hoạt động, hàng năm, mỗi người đóng góp khoảng 600 nghìn đồng làm quỹ chung. Trung bình 2 tháng nhóm họp 1 lần, tìm ra phương pháp chăm sóc cam hữu hiệu nhất, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Thấy hướng đi phù hợp, mang lại lợi ích lâu dài, người trồng cam quanh vùng học tập, làm theo. Anh Đại hy vọng, vụ thu hoạch cam năm nay, sẽ có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cam Sành, ổn định đầu ra cho bà con.

Sau thời điểm chững lại do bất ổn về giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện 10 thành viên Nhóm CIG nuôi lợn thôn Buột đang tăng đàn trở lại. Từ đầu năm đến nay, bà con đã xuất chuồng 1 lứa lợn, bình quân mỗi nhà mua khoảng 6 con lợn giống về nuôi. Anh Đặng Văn Anh, Trưởng Nhóm CIG nuôi lợn cho hay: Các thành viên đều là hội viên Hội Nông dân xã, khi tham gia nhóm, mọi người cùng giúp nhau, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó, thặt chặt mối đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm.

Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến Chương Văn Hải, trong quá trình triển khai, Ban Quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới - CPRP của xã luôn theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các hoạt động. Đồng thời, tổ chức họp định kỳ, từ đó tháo gỡ khó khăn, đưa ra giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình CPRP. Đến nay, các chỉ số về kinh tế, lao động việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng thay đổi rõ rệt, điển hình như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 68,17% xuống còn 52,6%; thu nhập bình quân tăng từ 11,5 - 13 triệu đồng/người/năm. Thông qua các Nhóm CIG, người dân có những kỹ năng cần thiết để phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, tăng giá trị hàng hóa cung cấp cho thị trường, đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nuôi trâu, bò vỗ béo ở thôn Na Van

BHG - Những năm gần đây xã Tả Nhìu (Xín Mần) đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tăng trưởng đàn gia súc của địa phương. Với sự hỗ trợ của Nghị quyết số 209 HĐND tỉnh, Chương trình Gảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa… đàn đại gia súc của xã đã tăng lên rõ rệt với 1.168 con trâu và 551 con bò. Đặc biệt, việc hình thành các Nhóm cùng sở thích (CIG) nuôi trâu, bò hàng hóa tại các thôn trên địa bàn đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

 

20/07/2018
Chương trình CPRP đồng hành cải thiện sinh kế hộ nghèo huyện Bắc Quang

BHG - Bước sang năm thứ 4 triển khai các hoạt động, chiến lược cụ thể như: Đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo; xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường… Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh đã và đang tạo những dấu ấn đặc biệt, đồng hành cùng sự phát triển KT-XH huyện Bắc Quang - vùng "cửa ngõ" phía Nam của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ xuyên suốt Chương trình CPRP hướng tới chính là hộ nghèo, cận nghèo; tác động giảm nghèo và đảm bảo tính bền vững...

19/07/2018
Nỗ lực xây dựng xã Hùng An thành đô thị loại V

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Bắc Quang khoảng 10 km về phía Nam, xã Hùng An có một vị trí chiến lược quan trọng để phát triển KT – XH. Mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền xã đề ra đến năm 2019 là xây dựng Hùng An trở thành Đô thị loại V và đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Chủ tịch UBND xã Hùng An, Vũ Đình Tuyên cho biết: Tính đến giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, nhân dân xã Hùng An đã gặt hái được nhiều thành công trong các lĩnh vực...

19/07/2018
"Chìa khóa" thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

BHG - Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chương trình nông nghiệp trọng tâm giúp người dân từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao thu nhập, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

 

19/07/2018