Doanh nghiệp Hà Giang thời kỳ hội nhập
BHG - Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trong điều kiện thuận lợi mới, đó là tình hình kinh tế thế giới được phục hồi. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực; các chủ trương về phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2016-2020, chỉ đạo của Chính phủ về ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, ASEAN được hình thành cùng với một số hiệp định thương mại thế hệ mới đã được ký kết và có hiệu lực, thị trường rộng mở, nhiều mặt hàng thuế quan giảm mạnh là những yếu tố có tác động lớn, tích cực đến sự phát triển của cộng đồng DN.
Lễ khai trương Văn phòng Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi life tại tỉnh Hà Giang. |
Trong năm qua, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 7,36%, cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 7.600 tỷ đồng. Có gần 1.000 DN thành lập mới, nâng tổng số DN đăng ký sản xuất, kinh doanh trên địa bàn lên gần 2.000 DN. Trong đó, có khoảng 500 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động. Cùng với sự phát triển về số lượng và quy mô, năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN được nâng lên, các DN đã nộp gần 60% tổng thu ngân sách của tỉnh. Tỉnh ta đang tiến hành tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực sự vào cuộc, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho DN phát triển; đây là tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trong kỳ tới.
Dù vậy, trong xu thế hội nhập như hiện nay, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động trong điều kiện khó khăn. Tình hình kinh tế thế giới tuy đã phục hồi nhưng còn chậm, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tuy có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức tác động đến sản xuất, kinh doanh như: Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, thị trường không ổn định, cùng những vấn đề phức tạp nảy sinh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Tham luận tại Đại hội Hiệp hội DN tỉnh mới đây, Giám đốc Công ty TNHH Đức Sơn, Bùi Mạnh Thắng cho rằng: Để đạt được những chỉ tiêu kinh tế đã đề ra, cộng đồng DN rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho DN…
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP ĐT&PT Phương Đông, Đỗ Ngọc Thuận: Để phát triển được trong xu thế hội nhập như hiện nay, các DN cần tích cực xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để quản lý, điều hành DN. Tăng cường cung cấp thông tin cho DN về thị trường, hội nhập quốc tế. Tư vấn, hỗ trợ các DN mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia có hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Mỗi DN, doanh nhân cần phát huy vai trò là đầu mối kết nối, thu hút các nhà đầu tư, các đối tác đến đầu tư để cùng phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, DN trên địa bàn tỉnh cần sự đổi mới, năng động, sáng tạo để đứng vững và phát triển trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc