Chương trình CPRP đồng hành cải thiện sinh kế hộ nghèo huyện Bắc Quang
BHG - Bước sang năm thứ 4 triển khai các hoạt động, chiến lược cụ thể như: Đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo; xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường… Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh đã và đang tạo những dấu ấn đặc biệt, đồng hành cùng sự phát triển KT-XH huyện Bắc Quang - vùng “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh.
Nguồn vốn Chương trình CPRP giúp gia đình bà Nguyễn Thị Chỉnh (bên phải) đầu tư máy sao chè bằng ga hiện đại và phát triển danh trà Shan tuyết Cổng trời 1. |
Một trong những nhiệm vụ xuyên suốt Chương trình CPRP hướng tới chính là hộ nghèo, cận nghèo; tác động giảm nghèo và đảm bảo tính bền vững. Từ giá trị nhân văn sâu sắc này, Chương trình CPRP được triển khai tại 4 xã đặc biệt khó khăn Đồng Tiến, Tân Lập, Đức Xuân và Thượng Bình để từng bước góp phần làm thay đổi cuộc sống đồng bào. Trong đó, nhằm đạt mục tiêu của Hợp phần đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo, 4 kết quả đầu ra sẽ tác động trực tiếp đến các hộ dân trong vùng thụ hưởng gồm: Quỹ đầu tư cộng đồng (CIF), Đồng tài trợ các Nhóm cùng sở thích (CIG); Dịch vụ tài chính nông thôn và Hợp tác công tư (P-PC). Nổi bật trong đó là thực hiện Quỹ CIF, nhiều công trình phục vụ an sinh xã hội, thúc đẩy KT-XH vùng đặc biệt khó khăn đã và đang dần hiện hữu như công trình cầu treo dân sinh khu Lũng Màu, thôn Cuôm (Đồng Tiến); công trình sửa chữa đường ống nước sinh hoạt, làm đường bê - tông với 2 đập tràn nối tiếp từ cầu Nà Chẳng đến cầu Tảng Ma Loay, thôn Xuân Đường (Đức Xuân) hoặc các công trình làm đường bê - tông vào nhiều nhóm hộ xã Tân Lập, Đức Xuân, Thượng Bình…
Nối tiếp kết quả trên, đến nay, huyện Bắc Quang đã thành lập 80 Nhóm CIG chăn nuôi trâu, dê, trồng chè, su su… với 829 thành viên. Trên cơ sở đó, huyện thực hiện giải ngân trên 4,4 tỷ đồng cho 42 Nhóm CIG với 426 thành viên thụ hưởng; vượt giải ngân 2 nhóm so với kế hoạch cả giai đoạn 2015 – 2020; giúp các nhóm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bước đầu tạo thu nhập, nâng cao cất lượng cuộc sống. Tính đến cuối tháng 6.2018, toàn huyện thành lập được 36 Nhóm tiết kiệm, tín dụng (TKTD)/404 thành viên. Trong đó, có 32 nhóm hoạt động đóng tiết kiệm/350 thành viên. Từ đầu năm đến nay, Tổ hỗ trợ CPRP huyện Bắc Quang đã giải ngân bổ sung 680 triệu/68 thành viên thuộc 16 nhóm. Số dư nợ hiện tại đạt trên 1,4 tỷ đồng/144 thành viên/24 Nhóm TKTD. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đa số các thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhiều trưởng Nhóm TKTD tận tâm trong công việc, thu hút được các thành viên tham gia đóng tiết kiệm và hoàn lãi hàng tháng đầy đủ, đúng thời gian quy định. Do vậy, số tiền thu tiết kiệm toàn huyện đạt trên 63 triệu đồng/350 thành viên/32 nhóm. Số tiền thu lãi toàn huyện lên đến 99,4 triệu đồng/144 thành viên/24 nhóm TKTD.
Đặc biệt, sau khi đề xuất P-PC năm 2017 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã tạo tiền đề để nhiều gia đình đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Điển hình như hộ ông Nguyễn Đức Kim – Nguyễn Thị Chỉnh xã Tân Lập, với số tiền trên 400 triệu đồng được giải ngân từ Chương trình CPRP, gia đình ông đã mở rộng nhà xưởng chế biến chè, đầu tư trang thiết bị hiện đại, phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Cổng trời 1; nâng công suất từ 0,8 - 1 tấn chè búp tươi/ngày, tăng gấp 2 lần so với trước khi có nguồn vốn đầu tư. Từ cuối tháng 11.2017 đến nay, cơ sở thu mua trên 100 tấn chè búp tươi của người dân với giá 12 – 30 nghìn đồng/kg, phục vụ cho việc chế biến các loại chè xanh đặc biệt, chè loại 1, loại 2 và chè vàng. Gia đình ông hiện đang chế biến thêm chè Hồng sâm cao cấp với những tác dụng tích cực cho sức khỏe, có giá bán 1 triệu đồng/kg. Không những vậy, gia đình ông Kim còn ký hợp đồng thu mua sản phẩm chè Shan tuyết với Tổ hợp tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP/17 hộ trồng và Nhóm CIG trồng chè xã Tân Lập... tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với kết quả trên, một trong những minh chứng quan trọng từ Hợp phần xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường, chính là hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của các xã như: Chuỗi giá trị gỗ xã Đồng Tiến, chuỗi giá trị dê xã Thượng Bình và chuỗi giá trị lợn đen xã Đức Xuân, Tân Lập... Đồng thời, nhiều mô hình thử nghiệm bước đầu phát huy hiệu quả, thích ứng tốt với môi trường sống như: Mô hình trồng thử nghiệm 2 ha lạc siêu củ tại xã Đức Xuân, trồng cam Sành ghép xã Đồng Tiến... Trong quý II.2018, thực hiện Hợp phần xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường, Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP huyện Bắc Quang tổ chức 7 lớp tập huấn cho 262 người tham gia với nhiều nội dung quan trọng nhằm: Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các chuỗi giá trị; cách triển khai kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp và triển khai quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã hàng năm, theo định hướng thị trường (MoSEDP) lồng ghép với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, nhằm giúp các xã áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả, từng bước tạo diện mạo mới trong phát triển KT-XH tại địa phương.
Từ những kết quả nổi bật trên có thể khẳng định, bằng những chiến lược cụ thể, Chương trình CPRP đã và đang tạo nhiều dấu ấn trong phát triển KT-XH tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang. Với những giá trị nhân văn này, Chương trình CPRP đang đồng hành cùng hộ nghèo, cận nghèo trên bước đường cải thiện sinh kế, thoát nghèo bền vững...
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc