Cụ thể hóa mục tiêu "Vì Hà Giang phát triển"

14:02, 05/06/2018

BHG - Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, hình ảnh Hà Giang phát triển bền vững đang dần hiện hữu. Đây là những chùm “quả ngọt” đầu mùa, kết tinh cho “Bộ tiêu chí tỉnh Hà Giang đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, phát triển bền vững” thành hiện thực.

Nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những tiêu chí quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.  Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của các thành viên Hợp tác xã Sản xuất vải Lanh truyền thống Lùng Tám (Quản Bạ).
Nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những tiêu chí quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của các thành viên Hợp tác xã Sản xuất vải Lanh truyền thống Lùng Tám (Quản Bạ).

Hà Giang hiện vẫn là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn với 6/11 huyện nghèo nhất cả nước; 134/195 xã đặc biệt khó khăn, chiếm gần 70% và 1.408/2.071 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trước thực tế này, nhằm cụ thể hóa mục tiêu “Vì Hà Giang phát triển” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; ngày 29.11.2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2950, ban hành “Bộ tiêu chí tỉnh Hà Giang đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, phát triển bền vững”. Bộ tiêu chí này gồm 19 tiêu chí, với 67 nội dung chi tiết bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, được chia thành 3 nhóm: 10 tiêu chí về phát triển kinh tế, 5 tiêu chí về xã hội và 4 tiêu chí về nội chính. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện theo từng năm.

Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Bộ tiêu chí đã từng bước làm thay đổi diện mạo KT-XH nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Minh chứng cho thấy, trong 67 nội dung chi tiết, có 49 nội dung đạt và vượt kế hoạch năm 2017. Đặc biệt, có 14 nội dung tiêu chí thực hiện đạt và vượt mục tiêu đến năm 2020, gồm: 6 nội dung thuộc tiêu chí cơ cấu kinh tế và cơ sở hạ tầng, 2 nội dung thuộc tiêu chí quốc phòng cùng 6 nội dung khác thuộc 6 tiêu chí: Kinh tế cửa khẩu, khoa học - công nghệ, sản xuất - tiêu dùng, xã hội, an ninh và môi trường. Điển hình phải kể đến nội dung số sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị (thuộc tiêu chí sản xuất và tiêu dùng) đến năm 2020 đạt 6 sản phẩm. Bằng nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, nội dung này đã vượt chỉ tiêu của năm 2020 khi UBND tỉnh phê duyệt 8 chuỗi giá trị tiềm năng, như: Thảo quả, gỗ, cam, chè, ong, bò hay chuỗi giá trị lợn thịt hàng hóa…

Song song với kết quả trên, nhiều nội dung thuộc tiêu chí Cơ sở hạ tầng do ngành Giao thông phụ trách đã vượt chỉ tiêu đến năm 2020 từ 1,5 – 14%. Đó là tỷ lệ km xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết nối với các tỉnh trong khu vực, gồm: Đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Quốc lộ 279, Quốc lộ 34, đường tỉnh 177, 178, 183, 176, 176B. Cùng với đó, tỷ lệ thôn, bản có đường xe cơ giới đến được thôn đạt gần 98%. Đặc biệt, tiêu chí Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có nhiều khởi sắc. Theo công bố từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Năm 2016, PCI của tỉnh xếp hạng thứ 59/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2015), chuyển từ vị trí xếp hạng nhóm thấp lên nhóm tương đối thấp; năm 2017, PCI tiếp tục tăng 4 bậc so với năm 2016, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố… Điều đó cho thấy nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc cải tiến bộ thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đến giao dịch…

Mặc dù việc thực hiện Bộ tiêu chí bước đầu kết tinh những kết quả ấn tượng. Song, thực tiễn cũng chỉ ra, việc hoàn thành Bộ tiêu chí còn không ít gian nan. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, một số nội dung tiêu chí về phát triển sản xuất khó đạt mục tiêu do nguồn ngân sách hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, phát triển chưa bền vững, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý, khó cạnh tranh trên thị trường… Bên cạnh đó, tiêu chí Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2020 có 70% số xã đạt theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Song, đây là một trong những tiêu chí khó. Và hầu hết, các xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành tiêu chí này sau cùng. Hơn nữa, việc duy trì, nâng cao tiêu chí này tại các xã gặp không ít vướng mắc. Do vậy, để đạt chỉ tiêu trên vẫn còn là bài toán khó… Đi liền với khó khăn trên, một số chỉ tiêu được xây dựng thành Bộ tiêu chí chưa phù hợp các quy định về hệ thống chỉ tiêu như: Nội dung tỷ trọng đóng góp của ngành Khoa học - Công nghệ (KH-CN) vào tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh và nội dung Chỉ số phát triển con người. Theo đó, Sở KH-CN, Cục Thống kê đã đề xuất UBND tỉnh cắt giảm cho phù hợp. Bởi, những chỉ tiêu này do Tổng cục Thống kê tính toán chung cho phạm vi cả nước, đối với cấp tỉnh chưa đủ cơ sở để tính toán, nếu tính, chỉ mang tính ước lượng nên yếu tố chính xác không cao...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bằng quyết tâm của các cấp, các ngành và người dân từ tỉnh đến cơ sở, thông qua kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện cụ thể, kỳ vọng rằng: “Bộ tiêu chí tỉnh Hà Giang đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, phát triển bền vững” sớm đạt mục tiêu để Hà Giang không ngừng vững mạnh nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động chợ nông thôn

BHG - Hiện nay, 21/24 xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên có chợ trung tâm. Các xã, thị trấn đều xây dựng phương án quản lý, kinh doanh, khai thác hoạt động chợ một cách có hiệu quả. Từ khi có chợ, việc trao đổi, giao thương của nhân dân diễn ra thuận lợi, các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương được trao đổi nên đã kích thích sản xuất phát triển.

 

31/05/2018
Xã Liên Hiệp quyết tâm thoát nghèo

BHG - Bí thư Đảng bộ xã Liên Hiệp (Bắc Quang) Nông Hoàng Chương khoe khéo: Hết giờ làm việc, anh em mình đi ao nuôi cá đặc sản câu mấy con, làm mấy món, tối về uống rượu rồi đi xem đám "nam thanh - nữ tú" hát Lướn, hát Cọi cho đời... trẻ lại! …Hát Lướn, hát Cọi được xem là "hồn cốt" của đồng bào Tày, Nùng vùng Chiến khu Cách mạng Trọng Con. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành thường lấy câu hát bày tỏ tình cảm. Người già, người lớn tuổi lấy câu hát để tâm tình.

31/05/2018
Phát huy hiệu quả hệ thống "Đèn cao áp nông thôn" tại xã Đạo Đức

BHG - Dọc Quốc lộ 2, đoạn từ km7 - km15 (Hà Giang – Tuyên Quang),  ta dễ dàng nhìn thấy những cột đèn nhỏ hai bên đường. Những cột đèn này, được người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) ví là những "Đèn cao áp nông thôn", bởi sự nhỏ gọn và tiện ích; những tia sáng nhỏ không chỉ mang đến cho riêng người dân nơi đây, mà còn có ý nghĩa với những phương tiện đi lại trên đoạn đường này.

 

31/05/2018
Chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh, tầm nhìn đến năm 2030

BHG - Trước quá trình hội nhập tích cực, sâu rộng của Việt Nam khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu… tỉnh ta đã đề ra "Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Theo đó, tỉnh chú trọng mở rộng, phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương Trung Quốc; tăng cường, mở rộng thiết lập mối quan hệ hợp tác...

30/05/2018