Xã Liên Hiệp quyết tâm thoát nghèo
BHG - Bí thư Đảng bộ xã Liên Hiệp (Bắc Quang) Nông Hoàng Chương khoe khéo: Hết giờ làm việc, anh em mình đi ao nuôi cá đặc sản câu mấy con, làm mấy món, tối về uống rượu rồi đi xem đám “nam thanh - nữ tú” hát Lướn, hát Cọi cho đời... trẻ lại!
Các trường học trên địa bàn xã Liên Hiệp được xây dựng khang trang. |
…Hát Lướn, hát Cọi được xem là “hồn cốt” của đồng bào Tày, Nùng vùng Chiến khu Cách mạng Trọng Con. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành thường lấy câu hát bày tỏ tình cảm. Người già, người lớn tuổi lấy câu hát để tâm tình. Hát Lướn, hát Cọi thường diễn ra vào những đêm trăng tỏ, những lúc mùa màng sắp đến kỳ thu hái. Từ xa xưa đến nay, những câu hát Lướn, những làn điệu Cọi có từ cuộc sống lao động trong vùng vẫn được già, trẻ, trai, gái xã Liên Hiệp gìn giữ, bảo tồn như kho báu. Rất nhiều chàng trai, cô gái đã nên duyên qua những lần hát đối đáp như thế.
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Như Lai ở trung tâm xã Liên Hiệp, ông vồn vã: Mình vui tuổi già bằng các ao thả cá rồi cho khách thuê câu. Khách đến, tham quan, buông cần câu giải trí. Cần câu, mồi câu, tuỳ khách mang theo, hoặc mua của gia chủ. Hết giờ câu, theo thoả thuận, được bao nhiêu cá khách mang về. Nhà mình có 3 ao thả nhiều loại cá như Chiên, Trê, Trắm, Nheo, Chép, Trôi... Thường ngày, mình lấy cỏ, băm cây chuối, trộn thêm thức ăn tinh chăn cá, nói chuyện với khách câu cho đời trẻ lại. Thu nhập từ nghề cho câu thuê cũng tạm đủ nuôi cái miệng tuổi già và trang trải tiền hiếu, hỷ trong làng, xã, không phải nhờ đến sự trợ cấp của con, cháu.
Đồng ruộng xen với những nhà sàn truyền thống tạo nên “bức tranh” quê yên bình. |
Trao đổi với lãnh đạo xã Liên Hiệp được biết: Vụ Xuân, lúa đặc sản gieo cấy được 196 ha, ngô trồng 88 ha, lạc 130 ha... Ruộng đất ở Liên Hiệp được cung cấp một lượng lớn phù sa từ những cách rừng xanh bạt ngàn chảy qua hàng chục con suối lớn, nhỏ bồi đắp lên nên năng suất rất cao, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bí thư Đảng uỷ xã Liên Hiệp Nông Hoàng Chương cho biết thêm: Phần lớn các gia đình cấy lúa đều chọn giống đặc sản, lúa thơm, gạo dẻo. Mua lúa gạo trồng ở Liên Hiệp về để 2 năm gạo vẫn còn thơm, dẻo; cơm thơm để nguội, ăn với cá Trê kho tàu, cá Nheo ướp giềng mẻ, nướng than hoa thì chân đi nhưng “hồn” ở lại.
Các đồng chí lãnh đạo xã đều cho rằng, hướng đi của Liên Hiệp hiện nay là tập trung chỉ đạo trồng, cấy, chăn nuôi đặc sản nhằm tạo ra các sản phẩm khác biệt; chú trọng đầu tư chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá đặc sản và trồng rừng kinh tế. Tiến tới, xã sẽ đề nghị với huyện Bắc Quang hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý công nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc sắc địa phương. Tiếp đó, sẽ giao trách nhiệm cho các hợp tác xã hỗ trợ thu mua và liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị trong cả nước tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đồng thời, duy trì 7 cơ sở thu mua, sơ chế gỗ làm ván bóc để giải quyết việc làm thường xuyên cho 135 lao động; hỗ trợ 68 hộ kinh doanh, nhằm cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân... Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, Liên Hiệp thoát khỏi xã nghèo.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc