Vị Xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động chợ nông thôn
BHG - Hiện nay, 21/24 xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên có chợ trung tâm. Các xã, thị trấn đều xây dựng phương án quản lý, kinh doanh, khai thác hoạt động chợ một cách có hiệu quả. Từ khi có chợ, việc trao đổi, giao thương của nhân dân diễn ra thuận lợi, các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương được trao đổi nên đã kích thích sản xuất phát triển.
Vào những ngày Chủ nhật hàng tuần, đến chợ Vạt, nằm sát Quốc lộ 2, trên diện tích khoảng 6.228 m2, có trên 300 lượt hộ kinh doanh lưu động và trên 100 hộ kinh doanh cố định; mỗi phiên chợ có 1.500 lượt người đến mua bán, trao đổi. Những người đi chợ, chơi chợ đến từ nhiều địa phương tạo nên không khí mua bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp. Chợ Vạt là một trong những chợ nông thôn có đầy đủ hệ thống phụ trợ như: Nhà vệ sinh, công trình điện, nước, bãi để xe... phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Cũng nằm dọc Quốc lộ 2, chợ thị trấn Việt Lâm họp vào thứ tư hàng tuần, chợ xã Đạo Đức, Phương Tiến, Thanh Thủy… mỗi phiên đều có hàng trăm người đến bán, hàng ngàn người đến mua. Các chợ phía Bắc của huyện như Minh Tân, Tùng Bá, Phong Quang, Thuận Hòa, Phú Linh, Kim Thạch, Kinh Linh; chợ phía Đông và phía Nam như Linh Hồ, Ngọc Linh, Bạch Ngọc, Ngọc Minh, Trung Thành; các chợ phía Tây như Thượng Sơn, Cao Bồ... đều là những điểm đến cho bà con các dân tộc giao thương, trao đổi hàng hóa. Những sản vật đặc trưng của mỗi vùng, miền được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong mỗi phiên chợ.
Tại các chợ nông thôn, người dân cũng tìm được các mặt hàng gia dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hàng ngày được cung ứng từ các thương lái hoặc hộ kinh doanh cố định. Từ việc kinh doanh các mặt hàng công nghiệp, sản phẩm thủ công địa phương, sản vật đặc trưng của vùng, miền, người dân có nguồn thu nhập đáng kể để nâng cao đời sống. Ở các xã vùng cao, vùng sâu, xa của huyện, chợ còn là nơi để bà con gặp gỡ, tâm tình, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống và cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, đáp ứng nhu cầu tinh thần của bà con, là nơi phát huy, gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống…
Hiện nay, nhu cầu của bà con đến chợ ngày càng đông, cũng đồng nghĩa với việc sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp ngày càng nhiều, KT-XH ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các chợ trên địa bàn đều không đủ diện tích cũng như hệ thống phụ trợ. Những ngày chợ phiên, hiện tượng hàng hóa bày tràn ra đường thường xuyên xảy ra gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn...
Nhằm đưa chợ nông thôn hoạt động hiệu quả hơn nữa, huyện Vị Xuyên, các xã, thị trấn đang triển khai xây dựng các phương án nâng cấp, cải tạo, mở rộng một số chợ khu vực trung tâm, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con khi đến chợ.
An Dương
Ý kiến bạn đọc