Thực hiện đột phá "Vận dụng cơ chế, chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững" ở Đồng Văn
BHG - Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra 2 khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm; trong đó có khâu đột phá về “Vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững”. Để triển khai các nội dung, mục tiêu đề ra, huyện Đồng Văn đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hàng năm gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Qua hơn 2 năm thực hiện đã tạo sự chuyển biến rõ nét, tạo “cú hích” cho những năm cuối nhiệm kỳ.
Đàn bò của gia đình chị Vàng Thị Mỷ, thôn Khó Chơ, xã Vần Chải được cải thiện tầm vóc, tăng nhanh số lượng nhờ áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. |
Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) theo chủ trương của tỉnh, huyện Đồng Văn đã khảo sát, tiến hành bình chọn bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại các hộ chăn nuôi; phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phố Bảng mở các lớp tập huấn cho cán bộ thú y, cán bộ nông nghiệp và Trưởng ban Thú y của 19 xã, thị trấn về quy trình, kỹ thuật TTNT; phổ biến kiến thức cơ bản cho người dân cách nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái. Cùng đó, áp dụng kịp thời cơ chế hỗ trợ tiền công cho các dẫn tinh viên theo Nghị quyết số 209, của HĐND tỉnh với định mức 230.000 đồng/1 con bò thụ tinh thành công; hỗ trợ vật tư thụ tinh cho bò theo Quyết định 22, ngày 11.11.2015 của UBND tỉnh với mức 475.000 đồng/ con bò thụ tinh thành công (trong đó, hỗ trợ Ni-tơ bảo quản tinh viên tại Trạm thú y huyện, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phố Bảng là 100.000 nghìn đồng; hỗ trợ Ni tơ bảo quản tinh viên từ Trạm thú y đi đến thôn, xóm là 175.000 đồng; hỗ trợ tinh viên và ống tinh quản là 100.000 đồng; hỗ trợ đông tinh viên là 100.000 đồng). Với cách triển khai chủ động, tích cực, từ năm 2015 đến đầu năm 2018, toàn huyện đã tiến hành TTNT cho gần 2.000 con bò, đạt trên 150% kế hoạch và trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong TTNT cho đàn bò.
Xuất phát từ thực tế số lượng đàn gia súc của huyện lớn với 105.000 con, trong đó đàn bò 27.318 con, đàn trâu 1.296 con, số còn lại là dê, lợn; sau nhiều năm tuyên truyền, diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi cũng không ngừng tăng với trên 2.000 ha. Với số lượng cỏ lớn nhưng người dân chưa có ý thức trong việc chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản dự trữ thức ăn dẫn đến thiếu nguồn thức ăn vào mùa Đông. Để khắc phục những hạn chế trên, năm 2016, huyện Đồng Văn giao đơn vị chức năng, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai ủ chua cỏ dự trữ thức ăn cho gia súc. Thời gian đầu thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ 100% túi ni-lon, bột cám ngô, muối, người dân đóng góp 100% thức ăn thô xanh, công lao động. Nhằm đảm bảo việc ủ chua cỏ làm thức ăn cho gia súc có hiệu quả lâu dài, huyện chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ xuống thôn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia súc; hướng dẫn người dân kỹ thuật, thao tác các bước ủ chua cỏ, có thể để dự trữ trong thời gian từ 4 - 5 tháng. Cách làm này đã giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn có chất lượng tốt cho gia súc, giảm thiểu tình trạng gia súc chết do đói, rét trong mùa Đông. Kết quả sau 2 năm, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có trên 2.000 hộ dân tại 19/19 xã, thị trấn làm chủ các thao tác, kỹ thuật ủ chua cỏ cho bò với khoảng trên 14.000 tấn cỏ.
Một trong những đột phá của huyện Đồng Văn trong vận dụng cơ chế, chính sách vào cuộc sống theo Nghị quyết Đại hội là đã ban hành Đề án phát triển cây lê, trong đó đưa ra các nhóm giải pháp, cơ chế khuyến khích, kế hoạch trồng theo từng năm. Theo Đề án, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiến hành trồng mới 66,6 ha; thực hiện tại 8 xã, thị trấn. Về cơ chế chính sách, huyện hỗ trợ người dân trồng mới 8 triệu đồng/ha; được hỗ trợ lãi suất trồng lê, vay vốn tối đa 15 triệu đồng/ha trong thời gian 5 năm, lãi suất 0,65%/tháng thông qua Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, huyện hỗ trợ người dân cải tạo cây lê già cỗi, kém chất lượng với mức hỗ trợ 10.000 đồng/cây, tối thiểu mỗi hộ được hỗ trợ 50 cây (tương đương 0,1 ha), không hạn chế diện tích tối đa. Tất cả các hộ có diện tích lê đã trồng, có nhu cầu trồng, tham gia trồng mới cây lê đều được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện chương trình được vận dụng, lồng ghép từ Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình sự nghiệp nông nghiệp, khoa học của tỉnh và huyện. Sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình trồng mới, cải tạo cây lê của huyện Đồng Văn đạt được kết quả ngoài mong đợi. Tính đến hết năm 2017, đã trồng được 91,05ha/66,6 ha, đạt 136,7% kế hoạch cho cả giai đoạn 2015 - 2020...
Thành công từ việc vận dụng các cơ chế, chính sách vào cuộc sống trên địa bàn huyện Đồng Văn có sự vào cuộc quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, các cấp, ngành liên quan. Trong quá trình triển khai thực hiện đã phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên. Đây cũng là kinh nghiệm được rút ra để huyện Đồng Văn tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra, từng bước đưa Đồng Văn phát triển nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc