Thôn Lùng Hẩu giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống
BHG - Thôn Lùng Hẩu, xã Thái An (Quản Bạ) là thôn vùng cao thuần nông còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 80%. Những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của xã, đồng bào trong thôn đã chuyển hướng, đẩy mạnh sản xuất mặt hàng đan lát; vừa giữ gìn làng nghề truyền thống, vừa góp phần tạo thu nhập ổn định.
Người lớn tuổi trong thôn truyền lại nghề cho lớp trẻ. |
Cách trung tâm xã Thái An hơn 10 km, đường vào thôn Lùng Hẩu nhiều đoạn vẫn còn; khó khăn. Là thôn thuộc vùng núi đá cao, nên phát triển nông - lâm nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc canh tác nông nghiệp như: Trồng ngô, Tam giác mạch, chăn nuôi bò, dê,… thì nghề đem lại thu nhập chính và ổn định cho người dân nơi đây là đan Quẩy tấu – một vật dụng dùng để đeo, gùi của đồng bào người Mông.
Anh Vàng Vần Chính, Chủ tịch UBND xã Thái An cho biết: Cả thôn có 93 hộ, thì có đến 70 hộ làm nghề đan lát; trung bình, mỗi hộ có thể hoàn thiện từ 7-10 sản phẩm trong 1 tuần. Đây cũng là làng nghề truyền thống có lịch sử cả trăm năm, từ nhiều đời trước truyền lại cho đời sau. Nghề đan lát không đòi hỏi sức lao động nhiều, nhưng lại yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo tay để tạo ra những sản phẩm vừa đẹp mắt lại vừa bền. Nguồn nguyên liệu là những rừng trúc tự nhiên sẵn có ở địa phương, với diện tích lên đến 20 ha. Sản phẩm Quẩy tấu chủ yếu được cung cấp cho người dân quanh vùng và một phần cho khách du lịch có nhu cầu mua làm đồ lưu niệm, với giá bán từ 80 - 150 nghìn đồng/sản phẩm; đây là nguồn thu nhập chủ yếu và ổn định của đồng bào nơi đây. Hiệu quả kinh tế đem lại không cao, nhưng nghề đan Quẩy tấu đã góp phần không nhỏ và công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Gần đây, nhờ mức tiêu thụ tăng, cùng với chỉ đạo của xã, huyện; người dân Lùng Thẩu đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, tăng cả về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm; từ nguồn thu ổn định của sản phẩm đan lát, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Ly Mí Tủa – một hộ làm nghề đan lát đã mấy đời nay, anh Tủa vui vẻ chia sẻ: Nghề này có từ thời các cụ để lại và đây cũng là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình anh. Mỗi tuần, gia anh đình làm được trên dưới 10 chiếc Quẩy tấu; đem bán ở chợ phiên, thu về hơn 1 triệu đồng. Nghề đan lát đỡ vất vả hơn làm nương, lại có thu nhập ổn định; gia đình tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và cố gắng giữ gìn, lưu truyền nghề truyền thống này.
Được biết, nhờ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã; sắp tới làng nghề sẽ được phát triển theo hướng thủ công mỹ nghệ, phục vụ du lịch và thành lập Hợp tác xã Làng nghề truyền thống. Từ đó, tăng số lượng sản phẩm, thêm nhiều mẫu mã, để sản phẩm đến với khách du lịch nhiều hơn. Để làm được điều đó, chính quyền xã sẽ mời những Nghệ nhân có tay nghề tại Hà Nội lên để chia sẻ kinh nghiệm và truyền dạy cho người dân cách làm thêm nhiều loại sản phẩm đan lát khác. Đây thực sự là một hướng đi đúng, không chỉ gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống, giải quyết được việc làm cho lao động tại địa phương cũng như công cuộc xóa đói, giảm nghèo; mà còn góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Bài, ảnh: Đăng Hà
Ý kiến bạn đọc