Quang Bình đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng VietGap
BHG - Sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và đời sống người dân là định hướng của huyện Quang Bình đối với việc phát triển chè Shan tuyết, cây trồng chủ lực của địa phương. Do đó, thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển chè, thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Anh Nguyễn Văn Lúi, thôn Nà Tho, xã Tân Bắc, thu hái chè trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Huyện Quang Bình hiện có trên 3 nghìn ha chè Shan tuyết, diện tích cho thu hoạch trên 2.400 ha; có 905 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung chủ yếu tại các xã Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Bắc... Sản lượng chè búp tươi năm 2017 đạt hơn 9.200 tấn; giá bán bình quân 7.000 – 8.500 đồng/kg chè búp tươi, tổng giá trị ước đạt trên 64 tỷ đồng.
Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn vùng chè đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để người dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đầu năm đến nay, có 125 hộ đăng ký vay vốn phát triển sản xuất chè theo Nghị quyết số 209 với nhu cầu vay trên 4,4 tỷ đồng. Trong đó, 18 hộ đủ điều kiện vay, đã giải ngân cho 14 hộ với tổng số tiền 645 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP, cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè...
Đồng thời, huyện tăng cường xây dựng các vùng nguyên liệu chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện đã thực hiện việc phân vùng quản lý và bao tiêu sản phẩm chè cho các doanh nghiệp, HTX gồm: Công ty TNHH MTV Chè Quang Bình với diện tích 1.390 ha, vùng nguyên liệu tại xã Tiên Nguyên, Yên Thành, Tân Bắc; HTX Xuân Mai có vùng nguyên liệu tập trung tại xã Xuân Minh, Tiên Nguyên với diện tích 418 ha; HTX Nam Hải, HTX Cao Nguyên khai thác nguyên liệu tại xã Tân Bắc, Tiên Nguyên… Từ đó, giúp các đơn vị chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè có vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX đã thực hiện chuỗi liên kết với người trồng chè theo quy trình khép kín từ cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết Quang Bình chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh và một số thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang... và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lúi, thôn Nà Tho, xã Tân Bắc là một trong những hộ trồng chè lâu năm tại địa phương. Vợ chồng anh Lúi có 1 ha chè gần 15 năm tuổi được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi tháng vợ chồng anh thu hái được 5 – 7 tạ chè búp tươi và bán cho HTX Nam Hải hoặc Công ty TNHH MTV Chè Quang Bình với giá trung bình 7 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập từ thu, hái chè hàng năm của gia đình anh được gần 70 triệu đồng.
Giám đốc HTX Xuân Mai, Vũ Hồng Thắng chia sẻ: Năm qua, HTX thu mua cho nhân dân trong vùng trên 600 tấn chè búp tươi và hơn 10 tấn chè vàng. Việc phân vùng quản lý chè giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, đồng thời tăng khả năng quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong năm nay, HTX sẽ liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản, đầu tư mở rộng xưởng sản xuất với máy móc hiện đại, tổng kinh phí đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
Phát huy thế mạnh của cây chè, thời gian tới, huyện Quang Bình tiếp tục phát triển vùng sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã vùng trồng chè, gắn tăng cường liên kết các doanh nghiệp, HTX với người dân vùng chè nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu chè sạch Shan tuyết Quang Bình.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc