Nông dân Bắc Mê trăn trở tìm đầu ra cho cây nghệ
BHG - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Mê đã mạnh dạn chuyển đổi những loại cây kém hiệu quả sang trồng nghệ, từ đó từng bước thay đổi cuộc sống. Cây nghệ đang mở ra hướng đi mới nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, để hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cho người trồng nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn…
Nông dân “tự bơi”!
Năm 2016, anh Đặng Văn Và, thôn Nà Lỳ, xã Yên Cường trồng Nghệ đỏ trên 2 ha đã đem lại cho gia đình thu nhập ổn định. Mặc dù kinh nghiệm chưa có, song vụ thu hoạch đầu tiên, vườn nghệ của anh cho rất nhiều củ và chất lượng tốt. Đặc biệt, so với các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu, Khoai lang thì cây nghệ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Anh Và cho biết: Thấy nhiều nông dân ở các xã khác trồng nghệ, thu nhập cao, anh đã mua giống Nghệ đỏ về trồng. Sau 9 tháng trồng cùng với cây ngô trên nương, từ diện tích 2 ha, gia đình thu hoạch được gần 30 tấn củ tươi. Trừ chi phí đầu tư phân bón và giống ban đầu, còn lãi khoảng 130 triệu đồng. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Yên Cường có khoảng 30 ha nghệ. Hiện tại trên địa bàn xã vẫn chưa thu hoạch hết, người dân chủ yếu thu hoạch và bán chỉ để cải thiện cuộc sống.
Diện tích nghệ tại thôn Nà Lỳ, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều hộ vẫn chờ giá tăng mới bán. |
Theo báo cáo năm 2017, huyện Bắc Mê trồng được 146 ha, ước cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng ha. Tuy nhiên, đến thời điển này, nghệ đã đến kỳ thu hoạch, nhưng nhiều nông dân vẫn kéo dài thời gian để già củ và chờ giá tăng mới bán, điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ vụ mới. Từ trước tới nay, do trồng nghệ tự phát nên chưa có công ty nào đứng ra bao tiêu sản phẩm, vì thế tiêu thụ nghệ giờ gặp khó khăn. Từ đầu năm đến nay, nghệ già giá bình quân từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg; thời điểm tháng 4.2017, người trồng bán với giá 12.000 đến 15.000/kg. Theo ước tính của nhiều hộ dân, để trồng 1 ha nghệ cần khoảng 1 tấn giống, còn trồng xen canh với cây ngô cần khoảng 7 tạ. Nếu chăm sóc tốt, sau 9 tháng đến một năm, nghệ sẽ cho thu hoạch. Ước tính 1 ha sẽ cho thu khoảng 20 đến 30 tấn nghệ. Với giá bán 5.000 đồng/kg, trừ chi phí tiền giống và công, lãi được hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô và lúa. Thế nhưng, hiện nay cây nghệ tại các xã trên địa bàn huyện Bắc Mê đã đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều người vẫn phải kéo dài thời gian, để già củ. Việc này khiến cho nông dân đang đứng ngồi không yên, loay hoay tìm đầu ra cho cây nghệ.
Theo ông Đặng Văn Mành, Trưởng thôn Nà Lỳ, hiện nay do giá nghệ quá rẻ nên người dân không muốn bán. Bán giá rẻ quá thì tiếc công sức bỏ ra nên người dân để cuối năm 2018 mới thu hoạch.
Cần liên kết, hỗ trợ sản xuất:
Từ tháng 10.2017, Công ty TNHH Cát Thành tiến hành liên kết vùng nguyên liệu và đã ký cam kết hỗ trợ đầu tư cho người nông dân xã Phú Nam trồng trên 60 ha nghệ. Theo đó, Công ty TNHH Cát Thành có trách nhiệm hỗ trợ giống, phân bón, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nghệ; hỗ trợ kinh phí tham gia công tác tuyên truyền đến người dân. Có trách nhiệm vận chuyển và thu mua tại trung tâm xã. Đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ củ nghệ tại các điểm thuận lợi vận chuyển ô-tô với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg, còn thực tế khi thu mua theo giá thị trường.
Ông Trần Quý Bình, Giám đốc Công ty THHH Cát Thành cho biết: Để tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân phải thông qua chuỗi liên kết giữa cơ sở sản xuất, tổ chức phân phối (doanh nghiệp, HTX), đưa sản phẩm đến cửa hàng tiêu thụ. Chuỗi liên kết sẽ có nhiều thành phần tham gia, có thể do một doanh nghiệp đảm nhận hết các khâu hoặc đầu tư hệ thống tiêu thụ, cửa hàng và liên kết với cơ sở sản xuất. Công ty chúng tôi đã đầu tư hơn một tỷ đồng để xây dựng cơ sở chế biến nghệ một cách bài bản, khoa học, từ khu vực nhà kho chứa nguyên liệu đến công xưởng chế biến, đóng gói, khu vực xử lý chất thải...”. Hiện tại, Công ty đang sản xuất 5 loại sản phẩm được chế biến, chiết xuất từ cây nghệ gồm tinh bột nghệ, tinh dầu nghệ, viên nang nghệ mật ong…
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Đối với việc thu mua nghệ trên địa bàn các xã, UBND huyện cũng đã đôn đốc các HTX sản xuất nông nghiệp đóng chân trên địa bàn tiếp tục thu mua nghệ tại trung tâm các xã với mức giá tối thiểu 5.000 đồng/kg. Từ năm 2018, huyện sẽ đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình liên kết, có văn bản khuyến nghị người dân trồng Nghệ đỏ để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp theo hình thức đầu tư có thu hồi. Huyện cũng sẽ nghiên cứu, tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu riêng.
Từ thực tế cho thấy, muốn có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ địa phương phải làm cầu nối, cán bộ nông nghiệp phải xắn tay cùng với doanh nghiệp, nông dân. Nếu huyện Bắc Mê có thể xây dựng được thương hiệu cây nghệ, có chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm thì sản phẩm sẽ bán được cho các cơ sở chế biến, cơ sở y dược trong nước với giá cao hơn. Hy vọng, sự liên kết của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ mang lại cơ hội phát triển cây nghệ trên đất Bắc Mê, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bài, ảnh: Giang Nam
Ý kiến bạn đọc