Hiệu quả thiết thực từ Dự án LRAMP
BHG - Ngày 2.3.2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 330/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Hà Giang nằm trong những tỉnh được triển khai Dự án này.
Tuyến đường Tả Nhìu - Chế Là của huyện Xín Mần được hỗ trợ bảo dưỡng thường xuyên từ Dự án LRAMP. |
Dự án LRAMP có tổng mức đầu tư gần 408,93 triệu USD, trong đó vốn vay WB 385 triệu USD, tương đương trên 8.664 tỷ đồng; vốn đối ứng của Chính phủ 538,58 tỷ đồng, tương đương 23,93 triệu USD. Nguồn vốn vay thực hiện cơ chế giải ngân theo kết quả. Dự án kéo dài trong giai đoạn 2016 – 2021 với 3 hợp phần: Khôi phục, cải tạo đường địa phương; xây dựng cầu dân sinh và tư vấn chung. Dự án sẽ thực hiện khôi phục, cải tạo trên 670 km đường và bảo dưỡng thường xuyên trên 61.100 km đường; xây mới trên 2.100 cầu dân sinh; phát triển hệ thống quản lý dữ liệu cầu và đường địa phương; xây dựng Hướng dẫn giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu đối với cầu và đường địa phương; phát triển mô hình cộng đồng bảo trì cầu và đường địa phương. Trên địa bàn tỉnh ta, dự án thực hiện 2 hợp phần: Khôi phục, cải tạo đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh với mục tiêu khôi phục, cải tạo trên 58 km đường địa phương trong giai đoạn 2017-2021; bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện khoảng trên 9.200 km và trên 17.200 km đường xã; xây mới 84 cầu dân sinh bằng bê-tông cốt thép nhịp giản đơn, với tổng chiều dài các cầu dự kiến 2.283 m; tổng vốn bố trí cho dự án trên 530 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 – 2021.
Từ khi triển khai dự án đến nay, được sự chấp thuận của Ngân hàng WB và Bộ Giao thông – Vận tải, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư khôi phục, cải tạo tuyến đường Nậm Dịch - Nam Sơn – Hồ Thầu – Quảng Nguyên – Nà Trì với chiều dài 22,4 km và bố trí gần 35 tỷ đồng cho các huyện, thành phố thực hiện bảo dưỡng thường xuyên 2.675,1 km đường tỉnh, đường huyện, đường xã trong năm 2017. Trong đó có 1.458,4 km đường tỉnh và đường huyện; 1.216,7 km đường xã. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã triển khai 4 dự án thành phần trong hợp phần cầu với tổng số 30 cầu dân sinh thuộc 7 huyện, thành phố. Trong đó: Đã thi công 2 dự án thành phần với 13 cầu dân sinh thuộc địa bàn huyện Quang Bình, Bắc Mê và Vị Xuyên; dự kiến trong quý II.2018 sẽ tiếp tục triển khai 2 dự án thành phần còn lại. Ngoài ra, hiện nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư 2 dự án thành phần với tổng số 36 cầu dân sinh trên địa bàn 9 huyện, thành phố, dự kiến triển khai thi công trong quý III.2018. Đồng thời, trình Tổng cục Đường bộ, Ngân hàng WB chấp thuận khôi phục, cải tạo 3 tuyến đường với tổng chiều dài 51 km. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên gần 4.000 km đường tỉnh, đường huyện, đường xã trong năm 2018, với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng.
Đồng chí Hoàng Gia Long, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải khẳng định: “Dự án LRAMP rất thiết thực và hiệu quả. Bởi vừa hỗ trợ đầu tư khôi phục đường, vừa bảo dưỡng thường xuyên và đầu tư xây dựng các cầu dân sinh tạo sự kết nối thông suốt cho các tuyến đường giao thông”. Đồng chí cho biết thêm, từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường giao thông nhưng ít chú trọng việc bảo dưỡng, duy tu thường xuyên đường, dự án này thì khác, toàn tỉnh có tới 26.400 km đường tỉnh, huyện, xã được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên theo dự án trong giai đoạn 2017 - 2021. Đây là điều hết sức đáng mừng, bởi đường là một loại tài sản của Nhà nước, số km đường được bảo dưỡng thường xuyên hiện có tương đương với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng. “Giữ cái đang có không tốt thì làm mới cũng không hiệu quả và việc bảo dưỡng đường còn quan trọng hơn cả làm đường mới”, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải, Hoàng Gia Long khẳng định.
Ngoài việc được hỗ trợ đầu tư khôi phục, bảo dưỡng đường thường xuyên và xây dựng các cầu dân sinh, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, tạo sự kết nối trong giao thương, trao đổi hàng hóa cho nhân dân, thúc đẩy phát triển KT – XH, từ khi Dự án LRAMP triển khai thực hiện đã góp phần đáng kể nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ đường của cấp ủy, chính quyền các cấp ở cơ sở; thay đổi thói quen và tạo sự lan tỏa trong nhân dân về bảo vệ các công trình giao thông, từ đó nâng cao tuổi thọ của đường, giảm sự đầu tư cải tạo, nâng cấp, nhưng hiệu cao và lâu dài.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc