Đồng bộ giải pháp giảm nghèo ở Mèo Vạc
BHG - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với việc xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong phát triển KT – XH nên huyện Mèo Vạc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Qua đó, các chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai đồng bộ, bước đầu tạo được kết quả khá tích cực, toàn diện.
Bà con thị trấn Mèo Vạc tích cực sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. |
Thực hiện Chương trình 30a, năm qua, huyện Mèo Vạc đã phân bổ, triển khai 16 công trình từ nguồn vốn đầu tư phát triển; sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư để duy tu, sửa chữa 10 công trình xuống cấp do thời gian sử dụng và thiên tai; phân bổ kinh phí sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân; thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chương trình 135 được địa phương hoàn thành, quyết toán 8 công trình; bố trí vốn Dự án Định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; bố trí nguồn vốn sự nghiệp, cải tạo, sửa chữa 10 hạng mục công trình; hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, vật nuôi cho trên 1 nghìn hộ; xây dựng và triển khai Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản tại xã Lũng Pù. Mặt khác, các Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình được chú trọng. Các chính sách tín dụng cho hộ nghèo như hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề tạo việc làm, trợ giúp xã hội; chính sách cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và huy động hỗ trợ của các doanh nghiệp, đơn vị được huyện quan tâm, thực hiện hiệu quả... Với những nỗ lực trong việc triển khai các chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo; đến cuối năm 2017, Mèo Vạc có 1.022 hộ thoát nghèo, 439 hộ thoát cận nghèo.
Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Các chính sách, dự án giảm nghèo đã giúp người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số của huyện có thêm động lực thoát nghèo; hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư, từng bước hoàn thiện; đời sống của người dân, đặc biệt người nghèo, hộ nghèo được cải thiện, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao. Điều đáng nói, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân có sự chuyển biến rõ rệt; người nghèo đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân và chủ động tiếp cận chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo…
Mặc dù công tác giảm nghèo ở Mèo Vạc chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều đó cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo mới.
Khắc phục tình trạng này, hướng đến mục tiêu trong năm nay có 959 hộ thoát nghèo, các xã, thị trấn ở Mèo Vạc đã chủ động đăng ký chỉ tiêu phấn đấu và đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Chủ động phát động phong trào “Giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo” tùy theo điều kiện cụ thể; vận động cán bộ, đảng viên và hộ dân có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các hộ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nhằm hạn chế tình trạng tái nghèo. Đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức và nội dung công tác thông tin, truyên truvền về giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, các ngành, các xã, thị trấn rà soát, phân loại từng nhóm hộ nghèo theo nguyên nhân để theo dõi, quản lý và đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp; đa dạng hóa các nguồn vốn giảm nghèo.
“Với địa phương khó khăn như Mèo Vạc, sự hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng. Tuy nhiên, nên cân nhắc giảm dần hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp, tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như: Vay vốn qua Ngân hàng Chính sách, khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo; có chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, cận nghèo về y tế, giáo dục... thì mới có thể giảm nghèo bền vững” – Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Mua Hồng Sinh cho biết thêm.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc