Cần ngăn chặn triệt để tình trạng "trục lợi" tiền đền bù từ các dự án
BHG - Những tháng đầu năm 2018, trên đất nông nghiệp dọc hai bên bờ sông Lô thuộc địa phận các xã Đạo Đức, Ngọc Linh, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) xuất hiện nhiều công trình tạm bợ được xây dựng vội vàng, được các hộ dân phản ánh là để nuôi lươn, nuôi giun quế hay trồng dâu, nuôi tằm... Nhưng phản ảnh từ cấp ủy, chính quyền địa phương mục đích thật sự của những công trình này là nhằm “trục lợi” tiền đền bù từ Dự án xây dựng Thủy điện Sông Lô 3.
Các hộ cố tình san ủi, hạ thấp nền xây dựng các công trình sát mực nước sông Lô để nằm trong vùng thu hồi đất vùng lòng hồ sẽ được đền bù. |
Cuối năm 2017, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Sông Lô 3 với công suất lắp máy 18,5 MW, nằm trên địa bàn huyện Vị Xuyên; vùng ảnh hưởng của dự án bao gồm các xã Đạo Đức, Ngọc Linh, thị trấn Nông trường Việt Lâm và thị trấn Vị Xuyên. Thế nhưng, khi dự án vẫn còn nằm trên giấy, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thông báo chính thức từ cấp trên và chủ đầu tư, ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, một số hộ dân trên địa bàn các xã Đạo Đức, Ngọc Linh và thị trấn Vị Xuyên đã tự ý san ủi mặt bằng, tập kết vật liệu để xây dựng các công trình như nhà sàn, các chuồng trại chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả, lấy gỗ… trên diện tích đất nông nghiệp ven sông Lô.
Tại sao chỉ từ tháng 12.2017 đến cuối tháng 3.2018, các hộ dân ở đây mới đồng loạt nảy ra ý định xây dựng các công trình trên để phát triển chăn nuôi? Và tại sao lại phải xây sát mép bờ sông Lô, thậm chí có nhiều điểm các công trình xây dựng trên cả phần bãi bồi của sông chỉ có thể canh tác một vụ khi mùa khô đến? Mục đích thực sự của việc xây dựng các công trình này là gì? Một số hộ dân xã Ngọc Linh và xã Đạo Đức cho biết họ xây dựng các công trình này để làm ao nuôi lươn, chuồng nuôi giun quế, trồng dâu, nuôi tằm hay bể nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp… Tuy nhiên, mục sở thị các công trình mới thấy hầu các bể chứa nước, nhà ở, chuồng trại đều được xây dựng vội vàng, tạm bợ với chất lượng kém, một số công trình dù xây dựng xong đã một vài tháng nhưng hoàn toàn không chăn nuôi hay có người trông coi. Một số ngôi nhà sàn, nhà cấp 4 chỉ được dựng lên với vài cột gỗ, thành ván ghép tạm bợ, hoàn toàn không thể ở. Nhiều vị trí các hộ cố tình san ủi, hạ thấp nền sát mép nước sông Lô, thể hiện rất rõ ý định chờ đền bù, bởi chắc chắn những vị trí này khi thủy điện tích nước sẽ ngập.
Những ngôi nhà chỉ được dựng lên sơ sài không nhằm mục đích để ở. |
Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn xã Đạo Đức, Ngọc Linh và thị trấn Vị Xuyên, có tổng cộng 27 hộ dân tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên phần đất nông nghiệp ven bờ sông Lô. Đáng nói là một số công trình có quy mô đầu tư lớn trên diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông với số kinh phí đầu tư có thể lên tới cả tỷ đồng nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương không mảy may quan tâm, tìm hiểu kỹ mục đích để ngăn chặn. Số lượng các hộ cố tình thực hiện hành vi “trục lợi” tiền đền bù cao như vậy một phần cũng do người dân thiếu hiểu biết, nghe theo sự xúi giục của các đối tượng ngoài địa bàn.
Trao đổi với đồng chí Tô Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Linh và đồng chí Bùi Thị Nga, Chủ tịch UBND thị trấn Vị Xuyên, hai địa phương có số hộ san ủi mặt bằng, xây dựng các công trình dọc bờ sông Lô nhiều nhất, được biết: Tình trạng này diễn ra trong khoảng 3 tháng gần đây. Tuy nhiên, do ban đầu chưa nắm được chính thức thông tin về việc đầu tư xây dựng Thủy điện Sông Lô 3, các hộ cũng nêu lý do xây dựng các công trình để phát triển kinh tế, phù hợp với các quy định nên khó xử lý ngay từ ban đầu. Chủ đầu tư dự án cũng chưa triển khai các bước công bố quy hoạch, phân giới cắm mốc, nên đến 15.3.2018 khi UBND huyện ban hành văn bản thông báo tới các địa phương về việc tỉnh đã chấp thuẩn chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Sông Lô 3 và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Vị Xuyên năm 2018, các địa phương mới biết mục đích thực sự của các hộ thực hiện san ủi mặt bằng và xây dựng các công trình sát bờ sông Lô là nhằm chờ tiền đền bù khi Dự án thủy điện Sông Lô 3 triển khai.
Được biết, ngay sau khi nhận được văn bản của huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã tiến hành vận động bà con giữ nguyên hiện trạng đất, không được xây dựng thêm các công trình trái phép chờ ý kiến chỉ đạo xử lý của cấp trên. Tuy nhiên, bỏ qua những thông báo và sự vận động của các địa phương, lợi dụng buổi trưa, ban đêm hay ngày nghỉ, một số hộ vẫn vận chuyển khung nhà sàn, vật liệu từ nơi khác đến và dựng nhà trái phép. Thậm chí khi biết có lực lượng chức năng chặn các tuyến đường, một số hộ còn thuê thuyền chở vật liệu vượt sông để xây dựng hoàn thành công trình.
Có những công trình xây dựng trên diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông và kinh phí đầu tư có thể hàng tỷ đồng với mục đích được cho là để nuôi lươn và giun quế nhưng thực tế chỉ để không và chờ…! |
Trước tình trạng trên, ngày 23.3.2018, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lương Văn Đoàn đã ra Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, kiểm đếm, thống kê diện tích san ủi, xây dựng của từng hộ và lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hộ vi phạm. Đồng thời yêu cầu các hộ dừng ngay việc thi công và tự tháo dỡ các công trình vi phạm, trong thời gian 5 ngày. Với các hộ cố tình không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 18.4 phần lớn các hộ chưa tự tháo dỡ các công trình vi phạm, thậm chí vẫn có 1 hộ ở thị trấn Vị Xuyên tiếp tục xây dựng thêm các công trình.
Nắm bắt thông tin sự việc, ngày 17.4, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1186 giao huyện Vị Xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, gia đình, cá nhân, xây dựng nhà cửa, bể nước, chuồng trại chăn nuôi, chuyển mục đích sử dụng đất… trái phép với mục đích không phải để sử dụng mà chờ đền bù từ dự án thủy điện Sông Lô 3 và báo cáo kết quả với UBND tỉnh trước ngày 27.4.
Việc các hộ dân tự ý san ủi mặt bằng, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp ven bờ sông Lô để chờ đền bù từ các dự án xây dựng thủy điện hay các dự án đầu tư khác không phải chưa có tiền lệ. Đơn cử như trong 3 – 4 năm gần đây, rất nhiều hộ dân của xã Đạo Đức (Vị Xuyên) và một số xã của huyện Bắc Quang khi biết thông tin Thủy điện Sông Lô 2 và Thủy điện Sông Lô 6 chuẩn bị xây dựng cũng đã xây dựng các công trình, trồng cây, hoa màu để chờ “trục lợi” tiền đề bù. Vấn đề này đã khiến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện và chủ đầu tư các dự án rất vất vả, chỉ đạo quyết liệt mới có thể giải quyết ổn thỏa. Đến nay lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Theo chia sẻ từ cấp ủy, chính quyền và cán bộ địa chính các xã Ngọc Linh, Đạo Đức và thị trấn Vị Xuyên, để xử lý mạnh tay với các hộ vi phạm không hề dễ dàng. Vì các công trình vi phạm hầu hết đều nằm trên diện tích đất nông nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khó xác định ranh giới vi phạm. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 11 của Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT của Bộ tài nguyên và môi trường Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 43/2014/NĐCP, quy định: Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm: Chuyển đất trồng cây hàng năm sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép. Như vậy, người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên phần đất nông nghiệp của gia đình chỉ cần thông báo, đăng ký chuyển đổi với chính quyền địa phương mà không cần được cấp phép. Mặc dù hầu hết các hộ đã san ủi, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp chưa thông báo, đăng ký và được chấp thuận của chính quyền các xã, thị trấn nhưng quy định trên và chế tài xử phạt chưa có quy định rõ ràng khiến giải pháp xử lý gặp nhiều khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục triệt để tình trạng cố tình “trục lợi” tiền đền bù các dự án, là khi có chủ trương chấp thuận cho chủ đầu tư thực hiện dự án cần thông báo ngay tới cấp ủy, chính quyền cơ sở để tuyên truyền, quán triệt nhân dân; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương thực hiện ngay việc kiểm kê tài sản, đất đai, phân giới cắm mốc để có căn cứ xử lý nếu các hộ vi phạm. Cấp ủy, chính quyền cơ sở cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin dư luận để ngăn chặn ngay từ khi phát sinh, báo cáo và xin ý kiến cấp trên hay các ngành chức năng khi chưa nắm rõ thông tin và hướng xử lý. Hơn nữa, căn cứ vào các quy định hiện hành, cần xây dựng và ban hành quy định, chế tài cụ thể xử lý các trường hợp tương tự; xử lý mạnh tay những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cố tình thực hiện khi đã có thông báo, khuyến cáo để làm gương. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương khi để xảy ra những sự việc tương tự.
Bài ảnh: L.Hà – P.Nguyễn
Ý kiến bạn đọc