Nghị quyết số 209 góp phần thay đổi cuộc sống người dân Mèo Vạc

07:45, 19/01/2018

BHG- Vào những ngày cuối năm Đinh Dậu 2017, có dịp đến thăm các hộ dân tại các xã Lũng Chinh, Pả Vi, Pải Lủng (Mèo Vạc), mới thấy được sự đổi thay mạnh mẽ của một huyện vùng cao núi đá.

Người dân xã Pả Vi giàu lên nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 209 để mua bò vỗ béo.
Người dân xã Pả Vi giàu lên nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 209 để mua bò vỗ béo.

Thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015, của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia vay vốn mua gia súc, mua ong để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Vì vậy, trong năm 2017, huyện đã có 955 hộ đăng ký vay 80,764 tỷ đồng. Trong đó, có 656 hộ đủ điều kiện vay 48,220 tỷ đồng. Huyện đã giải ngân cho các hộ mua được 1.965 con trâu, bò; 9.650 đàn ong và làm được 375,7m2 chuồng trại. Đặc biệt, trong đợt phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập huyện Mèo Vạc (15.12.1962- 2017), huyện giải ngân được 31,040 tỷ đồng, mua 1.552 con trâu, bò, nâng tổng đàn trâu, bò toàn huyện lên 32.459 con. Bên cạnh chỉ đạo làm tốt công tác giải ngân, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi và đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo bò; đến nay, đã thụ tinh nhân tạo cho 418 con bò cái sinh sản, trong đó, có 316 con được thụ tinh thành công.

Đến thăm gia đình anh Lù A Tỷ, ở thôn Tà Làng (xã Pải Lủng), năm 2016 được vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh, anh mua được 5 con bò cái sinh sản. Sau một thời gian chăn nuôi, đàn bò sinh được 5 con bê, anh đem bán bò mẹ để trả tiền ngân hàng và dành tiền tu sửa nhà cửa. Được biết, cùng ở thôn Tà Làng, ngoài gia đình anh Tỷ, còn có các hộ: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn To, Hoàng A Cang, Lù A Sừn, đều vay vốn từ Nghị quyết số 209 để chăn nuôi bò vỗ béo, đem lại hiệu quả thiết thực. Mỗi con bò nuôi vỗ béo khoảng 3 - 4 tháng, bán lãi từ 4 - 5 triệu đồng, không chỉ nâng cao thu nhập mà giúp các gia đình mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền như xe máy, ti vi, tủ lạnh và có điều kiện chăm sóc con cái học tập tốt hơn, góp phần làm cho bộ mặt thôn Tà Làng ngày càng đổi thay, trở thành thôn có điều kiện kinh tế phát triển đứng đầu xã Pải Lủng.

Rời thôn Tà Làng, tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Thái, ở thôn Sủng Khể (xã Lũng Chinh) là người đi lên từ chăn nuôi gia súc hàng hóa nhiều năm trước. Năm 2017, anh vay 100 triệu đồng để mua 5 con bò nuôi vỗ béo, sau 2 tháng, anh bán 2 con cũng thu lãi 5 triệu đồng. Cộng với nguồn vốn sẵn có từ kinh doanh dịch vụ xay xát gạo và bán hàng tạp hóa, anh vừa mở rộng chăn nuôi, vừa có điều kiện nuôi dạy con đang học Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội).

Đánh giá về hiệu quả trong việc triển khai Nghị quyết số 209, đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc, cho biết: “Hầu hết các hộ vay vốn chăn nuôi bò vỗ béo sau khoảng 3 tháng đem bán đều có lãi từ 3 đến 5 triệu đồng/con. Vì vậy, phát huy kết quả đạt được trong năm qua, bước sang năm 2018 đơn vị sẽ phối hợp với Agribank Mèo Vạc tiếp tục tham mưu cho UBND huyện làm tốt công tác thẩm định, giải ngân nguồn vốn để giúp nhân dân kịp thời vay mua trâu, bò chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình”. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng sẽ phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân làm tốt công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa Đông. Tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại chợ bò Mèo Vạc và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc. Đôn đốc, khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng cỏ để phát triển mạnh đàn bò, đảm bảo đạt vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mèo Vạc khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Giờ đây đến Mèo Vạc, mọi người đều cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” từng ngày trên quê hương với “Thương hiệu bò vàng, mật ong Bạc hà” nổi tiếng. Có được kết quả trên, người dân nơi đây hiểu rằng bên cạnh nỗ lực vươn lên của bản thân thì việc vận dụng hiệu quả Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh trong phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa, sẽ là bước đi đúng đắn góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Quỳnh Lưu

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Yên Minh - nguồn lực cho sự phát triển

BHG- Tính đến 30.12.2017, tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Yên Minh (Agribank Yên Minh) đạt trên 320 tỷ đồng. Đây thực sự là nguồn lực không nhỏ góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển KT – XH của huyện.

19/01/2018
Vị Xuyên đẩy mạnh giao đất, giao rừng, tạo sinh kế cho người dân

BHG- Sau hơn 10 năm (2006 – 2016) thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã đem lại hiệu quả thiết thực; diện tích rừng đã giao khoán được chăm sóc và bảo vệ tốt, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

19/01/2018
Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh

BHG- Năm qua, Agribank Hà Giang tiếp tục vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò ngân hàng thương mại hàng đầu, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển KT- XH ở địa phương. Nhân dịp đầu năm mới 2018, Phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Agribank Hà Giang. Về những kết quả đạt được và nhiệm vụ trong thời gian tới.

19/01/2018
Hiệu quả hoạt động của Agribank Chi nhánh Quang Bình

BHG- Từ đầu năm đến nay, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn,  nhưng với sự đoàn kết, thống nhất; sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ CCVC Agribank Chi nhánh Quang Bình, nên hoạt động kinh doanh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; tốc độ tăng trưởng dư nợ, nguồn vốn tăng so với đầu năm. 

19/01/2018