Giải pháp tháo "nút thắt"phát triển kinh tế biên mậu
BHG - Phát triển kinh tế biên mậu (KTBM), gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng - một trong 5 chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI lựa chọn, tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Kết thúc năm 2017, tỉnh ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên qua triển khai thực hiện cho thấy còn nhiều thách thức đặt ra cho những năm tiếp theo.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 chưa đầy 3 tháng, ngày 10.12.2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 206 về “Một số chính sách khuyến khích phát triển KTBM trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Đây được cho là bước đi đầu tiên, thể hiện quyết tâm, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thực hiện chương trình trọng tâm này. Nghị quyết 206 ban hành với nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) và các cửa khẩu (CK) phụ, chợ biên giới, cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK). Đơn cử như, ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay vốn đầu tư xây dựng chợ biên giới, chợ CK, chợ trong Khu KTCK, kho ngoại quan, bãi lưu giữ hàng hóa, cơ sở chế biến gia công hàng xuất khẩu, mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 5 tỷ đồng/đơn vị/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng; hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng kinh doanh, diện tích hỗ trợ tối đa không quá 18 m2/1 gian hàng hoặc 1 gian ki ốt, được hỗ trợ 1 lần/đơn vị sau khi hợp đồng có hiệu lực 1 năm với mức hỗ trợ theo giá thuê thực tế nhưng không quá 1,5 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng; hỗ trợ 2% trên tổng giá trị kim ngạch của mặt hàng xuất khẩu có xuất xứ sản xuất tại Hà Giang, được hỗ trợ 1 lần/đơn vị/năm với mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng…
Hoạt động XNK qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Ảnh: VĂN NGHỊ |
Ngoài những chính sách của Nghị quyết 206, trong hơn 2 năm qua, tỉnh ta đã tổ chức nhiều đoàn công tác sang thăm, làm việc tại Trung Quốc; tổ chức các chương trình giao lưu, kết nghĩa, ký kết các hợp tác, đầu tư với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); 7 huyện biên giới của tỉnh cũng thường xuyên có các cuộc hội đàm, phối hợp tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biên giới và giao lưu văn hóa, văn nghệ, kết nghĩa với các địa phương phía đối đẳng của Trung Quốc; đưa lao động sang Trung Quốc làm việc…
Từ sự quan tâm, định hướng phát triển KTBM và đẩy mạnh công tác đối ngoại của tỉnh với các địa phương nước bạn Trung Quốc, tính đến cuối năm 2017, đã có 42 dự án được cấp phép đầu tư vào Khu KTCK, trong đó có 29 dự án đang hoạt động, 10 dự án đang xây dựng cơ bản, 2 dự án chuẩn bị đầu tư; trên 300 doanh nghiệp và tư thương tham gia hoạt động XNK. Kim ngạch XNK hàng hóa năm 2016 tăng đột biến với tỷ lệ tăng trên 716%, đạt gần 1,4 tỷ USD; năm 2017 đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng trên 200%; thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu năm 2016 và 2017 đều trên 200 tỷ đồng…
Tuy nhiên, từ khi triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KTBM, mới có 6 doanh nghiệp đầu tư tại Khu KTCK được ưu đãi tiền thuê đất với tổng số tiền miễn, giảm trên 774 triệu đồng; 27 chợ biên giới chưa có doanh nghiệp quan tâm, đầu tư xây dựng; 1/8 doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho bãi tại Khu KTCK được giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất với số tiền 3,5 tỷ đồng; chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các chợ biên giới, CK phụ chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư… Những kết quả trên cho thấy, để những chính sách từ Nghị quyết 206 và chương trình phát triển KTBM thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.
Nguyên nhân của thực trạng trên được xác định do công tác giải phóng mặt bằng Khu KTCK, các chợ biên giới chậm và quỹ đất không đủ lớn để thu hút đầu tư; điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi XNK còn cao, trong khi đa phần doanh nghiệp hoạt động XNK nhỏ lẻ, chủ yếu thực hiện khâu dịch vụ và ít xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng nằm trong danh mục khuyến khích hỗ trợ; mặt bằng các chợ biên giới hẹp, độ dốc lớn và lượng trao đổi hàng hóa thấp, chỉ họp 1 phiên/tuần nên sức hấp dẫn chưa cao…
Tháo gỡ những “nút thắt” trên, ngành Công thương đã tham mưu xây dựng Dự thảo điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 206 và đã được HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Tuy nhiên, Nghị quyết mới được chỉnh sửa, bổ sung chưa có thêm nhiều chính sách ưu đãi mới, thậm chí một số chính sách của Nghị quyết còn bị bãi bỏ hoàn toàn vì không phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới.
2 năm qua, phát triển KTBM của tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt là lượng hàng hóa XNK qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tăng cao. Nhưng, thu hút đầu tư vẫn còn rất hạn chế, các chính sách chưa đủ mạnh và chưa thực sự tương đồng với sự phát triển để kích cầu đầu tư. Làm thế nào để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia mạnh hơn nữa vào hoạt động này sẽ là thách thức lớn đặt ra đối với tỉnh ta.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc